Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh ta đã tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm 2024, đồng bào dân tộc Mông bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, vui mừng khi bản được Nhà nước đầu tư xây mới nhà văn hóa, diện tích hơn 100 m2 và hỗ trợ mua sắm tăng âm, loa, bục phát biểu và thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mông của bản. Anh Sộng A Dia, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pu Hao, phấn khởi: Bản có 140 hộ, 880 nhân khẩu. Bà con trong bản ai cũng phấn khởi, bởi Tết này được vui chơi trong nhà văn hóa mới, với đầy đủ trang thiết bị. Đồng thời, giúp bản thuận lợi trong việc tổ chức hội họp, hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là các thành viên trong câu lạc bộ văn hóa dân gian của bản có địa điểm sinh hoạt, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Sốp Cộp có 8 xã, với 101 bản và 2 điểm dân cư, dân số gần 55.500 người, gồm 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 96,8%. Riêng trong năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng mua sắm các thiết chế văn hóa cho 31 nhà văn hóa bản; hỗ trợ 2 đội văn nghệ và thành lập 1 câu lạc bộ văn hóa dân gian.
Bà Tòng Thị Quyên, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Sốp Cộp, cho biết: Đến nay, gần 90% số bản trong huyện có nhà văn hóa và được trang bị thiết chế văn hóa; duy trì hoạt động của 178 đội văn nghệ các bản.
Đến xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, ấn tượng với nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có màn hình led trên phông chính, bàn, ghế được đầu tư mới. Công trình nhà văn hóa xã Sặp Vạt có diện tích 213 m², tổng mức đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023.
Ông Lưu Thủy Ngư, Bí thư Đảng ủy xã Sặp Vạt, chia sẻ: Xã có 11 bản, 1.070 hộ, trên 4.600 nhân khẩu của 3 dân tộc Thái, Kinh, Mông cùng sinh sống. Có nhà văn hóa, việc tổ chức họp triển khai các công việc đều thuận lợi và giúp nhân dân có điểm vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên và vào các dịp lễ, tết. Đến nay, 100% bản có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố và được đầu tư đầy đủ thiết chế văn hóa, góp phần đưa xã cán đích nông thôn mới cuối năm 2023.
Từ năm 2022 đến nay, bằng nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Yên Châu đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng 12 nhà văn hóa bản, 1 nhà văn hóa xã; hỗ trợ 539 triệu đồng cho đội văn nghệ truyền thống của các xã Phiêng Khoài, Sặp Vạt, Chiềng Pằn; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho 7 bản tại xã Chiềng On; phục dựng, tổ chức Hạn Khuống tại xã Chiềng Khoi và lễ hội Đông Sửa, xã Sặp Vạt; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các xã biên giới...
Ông Lò Đức Việt, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: Hằng năm, Phòng phối hợp với Phòng Văn hóa, thông tin huyện, các xã, thị trấn rà soát, tham mưu cho UBND huyện lồng ghép các chương trình, dự án, đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản và mua sắm thiết chế văn hóa; hỗ trợ các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trên 98% số bản có nhà văn hóa, duy trì hoạt động 182 đội văn nghệ bản, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ năm 2022 đến nay, bằng nguồn vốn từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã có 191 nhà văn hóa xã, bản được sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng; nâng tỷ lệ bản trong toàn tỉnh có nhà sinh hoạt cộng đồng lên 92,43%, tương đương với 2.320 bản có nhà văn hóa, có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống. Kết quả đó góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời, giúp các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá các công trình nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn, tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, xã bản. Trong đó, ưu tiên đối với các xã đang hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, các bản vùng đặc biệt khó khăn, bản nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và vừa thực hiện sáp nhập.
Bên cạnh đó, tiếp tục đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình 1719, để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả... Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 96,85% số bản có nhà văn hóa; các đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!