Bảo tồn văn hóa dân tộc La Ha ở Sơn La

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, dân tộc La Ha hiện có hơn 10.000 người, sinh sống chủ yếu ở một số bản  thuộc huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu và Mộc Châu. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền, khuyến khích đồng bào dân tộc La Ha bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng của dân tộc.

CLB sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha tại bản Bung Lanh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, luyện tập điệu múa "tăng bu"

Tại huyện Quỳnh Nhai, dân tộc La Ha chiếm 2,69% tổng dân số toàn huyện với khoảng gần 2.000 người. Những nét đặc sắc trong văn hóa đặc trưng của đồng bào La Ha giúp tô điểm thêm cho mảnh đất vốn giàu truyền thống văn hóa các dân tộc. Trong đó, phải kể đến Lễ Xên Pang A của dân tộc La Ha ở Quỳnh Nhai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018. Đây là nghi lễ truyền thống mang tính cộng đồng được tổ chức vào tháng 10, 11 hằng năm, với ý nghĩa cầu các thế lực siêu nhiên, thần linh về giúp con người giải trừ bệnh tật, ốm đau và cầu bình an, sức khỏe cho bà con dân bản. Việc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đã giúp tôn vinh văn hóa truyền thống của đồng bào La Ha, một trong số các dân tộc rất ít người của Việt Nam hiện nay, là sự động viên, khích lệ để cộng đồng dân tộc La Ha gìn giữ và phát huy nét đẹp của nghi lễ truyền thống này trong đời sống hiện đại.

Huyện Quỳnh Nhai còn có 2 Nghệ nhân ưu tú dân tộc La Ha đã được công nhận thuộc lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nghệ nhân ưu tú Quàng Văn Dỉnh, bản Bung Lanh, xã Mường Giàng, nói: Tôi rất vinh dự và tự hào khi được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Đây là niềm động viên lớn lao để tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong truyền dạy văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc cho thế hệ con cháu và cộng đồng dân tộc La Ha.

  Điệu múa "au eo" của đồng bào dân tộc La Ha.

Đồng bào La Ha tại Quỳnh Nhai còn được khuyến khích phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ cộng đồng. CLB sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha tại bản Bung Lanh, xã Mường Giàng với 35 thành viên, độ tuổi từ 20 – 70 tuổi. Chị Lò Thị Tỉnh, Đội trưởng CLB, chia sẻ: Chúng tôi thường tập trung luyện tập vào thời gian rảnh rỗi, chia nhóm để tập các điệu múa truyền thống của dân tộc La Ha như, múa “tăng bu”, “hưn mạy”. Ngoài ra, những người cao tuổi truyền dạy lại cho đội trẻ cả văn hóa, quan niệm, tín ngưỡng, cách thức tổ chức các nghi lễ truyền thống để gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc mình. Nhờ hoạt động văn hóa, văn nghệ, các thành viên trong CLB thêm gắn bó, người trẻ thêm yêu mến và tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Mường La là huyện có nhiều đồng bào dân tộc La Ha đang sinh sống tại 18 bản của 10 xã với gần 5.000 người. Những năm qua, huyện luôn quan tâm triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha xóa đói, giảm nghèo, giúp đồng bào xây dựng sinh kế, hỗ trợ về y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, khảo tả, phục dựng lễ Xên Pang A tại các bản và tổ chức các lớp học tiếng cho các học viên là đồng bào dân tộc La Ha tại các bản có đông đồng bào La Ha cùng sinh sống như: xã Nậm Giôn, Hua Trai, Chiềng Lao, Pi Toong…

Biểu diễn điệu múa truyền thống dân tộc La Ha tại xã Pi Toong, huyện Mường La. Ảnh: Hoàng Giang

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường La cho biết: Các chính sách đặc thù ưu tiên đồng bào dân tộc La Ha không chỉ tập trung ở việc hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn động viên, khuyến khích bà con bảo tồn, duy trì tiếng nói và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, giúp đồng bào tin tưởng ở đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, duy trì khối đại đoàn kết dân tộc tại cộng đồng dân cư, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa.

Do đặc thù sinh sống chung cùng dân tộc Thái nên tiếng nói và trang phục của đồng bào La Ha tại một số nơi bị pha trộn, không giữ được nét nguyên bản. Vì vậy, các chính sách ưu tiên hỗ trợ dân tộc La Ha bảo tồn, gìn giữ văn hóa là đúng đắn và cần thiết. Các địa phương có đồng bào La Ha sinh sống vẫn duy trì tổ chức lớp học tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu. Nghệ nhân dân tộc La Ha trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy ngôn ngữ trong giao tiếp sinh hoạt, phong tục tập quán, sinh kế, tín ngưỡng dân gian…, giúp bà con học được tiếng “mẹ đẻ” của mình và hiểu về văn hóa nguồn cội của dân tộc. Cùng với những chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhiều mặt vẫn đang được triển khai tại các địa phương, đồng bào dân tộc La Ha ở Sơn La ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm trong việc nỗ lực phát triển kinh tế và gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phụ nữ dân tộc La Ha.

Ưu tiên, hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người với các chính sách phù hợp là giải pháp đồng hành cùng cộng đồng dân tộc La Ha tại Sơn La gìn giữ văn hóa cội nguồn của dân tộc; là động lực khuyến khích bà con nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong vùng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới