Bánh dày món quà vùng cao

Đến với mảnh đất vùng cao Bắc Yên, du khách không chỉ được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên nơi đây, mà còn được hoà mình với các lễ hội, phiên chợ vùng cao và thưởng thức món bánh dày, là ẩm thực mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Đối với đồng bào dân tộc Mông trong mâm cơm những ngày lễ, tết ngoài rượu, thịt, rau rừng đồ xôi, bánh dày là thứ không thể thiếu để dâng lên tổ tiên. Bánh dày không chỉ là món ăn truyền thống có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, còn là món ăn để đãi khách, làm quà biếu khi khách đến thăm nhà.

Đồng bào dân tộc Mông huyện Bắc Yên giã bánh dày.

Chị Sồng Thị Mỷ, xã Tà Xùa, chia sẻ: Bánh dày của đồng bào dân tộc Mông làm rất công phu, để làm được những chiếc bánh dày thơm, dẻo cần chọn loại gạo nếp nương trắng, thơm, hạt to đều, khi đồ lên sẽ cho xôi dẻo. Gạo được vo, ngâm nước khoảng 6 - 8 tiếng, vớt ra để ráo, vào chõ để đồ. Sau khi đồ xôi từ 1 - 2 giờ, mang ra giã bánh ngay khi xôi còn nóng.

Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy giã bánh được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng. Giã bánh dày đòi hỏi nhiều sức lực, do đó, những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh. Khi giã bánh đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự phối hợp nhịp nhàng của đôi nam thanh niên khỏe mạnh, thông qua đó thấy được sự gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của cộng đồng. 

Âm thanh rộn ràng của nhịp chày giã bánh càng làm cho không khí dịp lễ hội, chợ phiên hay ngày tết cổ truyền đồng bào dân tộc Mông như càng thêm vui và ấm cúng. Anh Mùa A Sênh, xã Tà Xùa, chia sẻ: Giã bánh dày phải nhanh, có kỹ thuật. Nếu giã không nhanh, không dứt khoát thì chày sẽ bị dính xôi, khó nhấc lên lại mất sức, xôi không mềm nhuyễn. Khi giã, lúc đầu giã nhẹ tay cho xôi quyện và dính; sau đó, phải dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo, mịn, có thể đem làm bánh được, giã càng kỹ, bánh càng dẻo, ngon và để được lâu.

Phụ nữ dân tộc Mông khéo léo nặn thành hình những chiếc bánh dày.

Khi bánh giã xong, những người phụ nữ Mông thường lấy trứng gà luộc lên, sau đó dùng lòng đỏ để xoa đều lên tay và lá gói để nặn và gói bánh không bị dính, cũng như tạo hương vị thơm của bánh. Điểm khác biệt của chiếc bánh dày người Mông so với các loại bánh khác, là bánh dày không hề có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Bánh dày có thể ăn ngay hoặc để nguội sau đó cắt thành miếng nhỏ rán lên hoặc nướng trên bếp than khoảng 5-10 phút, khi bánh phồng nhẹ, vỏ bánh vàng đều, bên trong mềm có mùi thơm đặc trưng của gạo nếp nương là được.

Thưởng thức chiếc bánh dày nóng hổi nướng trên than hồng trong tiết trời se lạnh, anh Bùi Văn Tú, du khách từ Hải Dương, chia sẻ: Thưởng thức bánh dày thấy vị ngọt từ gạo nếp nương, vị thơm từ lá… và cả tình nồng ấm từ sự đoàn kết của bà con nơi đây khi làm ra chiếc bánh dày. Chắc chắn tôi sẽ mua bánh dày làm quà, món quà dân dã, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao.

Du khách mua bánh dày về làm quà.

Bánh dày của người Mông, trước đây thường chỉ được giã trong các ngày lễ tết của dân tộc để mời khách quý, làm quà. Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn trải nghiệm giã bánh dày và thưởng thức bánh, các tour du lịch, homestay cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm giã bánh dày.

Anh Phan Thanh Hùng, chủ Mây Homestay tại Tà Xùa, cho biết: Vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ, chúng tôi có tổ chức các chương trình nghệ thuật và trình diễn làm bánh dày. Qua đó, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm, tham gia các công đoạn để làm ra chiếc bánh dày từ ngâm gạo, vo gạo, đồ xôi, giã và nặn bánh và thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm ra chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng hơn.

Mỗi món ăn vùng cao chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Bánh dày góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của huyện vùng cao Bắc Yên, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, tạo ấn tượng với du khách.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.