Hòa cùng dòng chảy của văn học, nghệ thuật nước nhà, nửa thế kỷ qua, văn học, nghệ thuật của tỉnh Sơn La đã phát huy tốt sứ mệnh được giao; tuyên truyền hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
.jpg)
Phát huy sức mạnh nội sinh
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - non sông thống nhất liền một dải, đất nước bước sang một trang sử mới: Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển. Đây cũng là mốc son mở ra giai đoạn mới cho nền văn học, nghệ thuật phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng. Lúc này, nền văn học, nghệ thuật tỉnh Sơn La gắn liền với xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hướng ngòi bút về nhân dân lao động, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với truyền thống yêu nước, xây dựng những hình tượng đẹp về con người mới làm chủ đất nước, về những tấm gương bình dị song rất đáng ngợi ca.
Từ năm 1986 đến nay, đất nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với các lĩnh vực khác, văn học, nghệ thuật tỉnh Sơn La được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, coi đó là sức mạnh nội sinh bền vững trong hội nhập quốc tế, nhằm tạo sự phát triển hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các thời kỳ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ. Cùng với đó, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản chính sách về văn học, nghệ thuật từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh. HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, như: Quy định mức chi hỗ trợ kinh phí hoạt động văn nghệ quần chúng của bản, tiểu khu, tổ dân phố; quy định nội dung, mức hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Sơn La có tác phẩm đạt giải thưởng cấp khu vực, quốc gia và quốc tế...

Họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Các chính sách của tỉnh về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật được ban hành, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần làm tốt việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Dấu ấn văn học nghệ thuật Sơn La
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 260 văn nghệ sĩ, là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và hằng trăm văn nghệ sĩ, diễn viên hoạt động tại Nhà hát ca múa nhạc tỉnh và các trung tâm Truyền thông Văn hóa các huyện, thị xã, thành phố. Sơn La được coi là điểm sáng của phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, với hơn 3.300 đội văn nghệ tổ, bản, tiểu khu thường xuyên hoạt động, lan tỏa không khí vui tươi, phấn khởi trong sinh hoạt, đời sống cũng như các dịp lễ tết, các sự kiện chính trị của tỉnh.

Tỉnh đã phát động nhiều cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật, được các văn, nghệ sĩ hưởng ứng tích cực, như: “Sáng tác ca khúc về thành phố Sơn La”, “Sơn La 120 năm hình thành và phát triển”, “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Ngã ba Cò Nòi anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử”, “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”...
Trên cơ sở đó, đội ngũ văn, nghệ sĩ luôn chủ động sáng tạo các đề tài mình ưa thích, chất liệu, phong cách, bút pháp, ngôn ngữ tạo hình, văn phong... bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đến nay, có hơn 240 đầu sách văn học, sưu tầm nghiên cứu dân gian được xuất bản; trên 300 lượt tác giả đạt các giải khu vực, quốc gia, quốc tế, cấp tỉnh, cấp hội. Đặc biệt, có 5 giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Cả cuộc đời đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Thái, Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, được ví như cuốn “Từ điển bách khoa” về văn hóa, văn học dân gian của dân tộc Thái. Hơn 60 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, ông Lả sở hữu bộ sưu tập đồ sộ với 27 tập, gồm 3.139 bài, 16.840 trang A4 đánh máy chữ Thái truyền thống Sơn La, chữ phiên âm, dịch ra tiếng phổ thông về những câu chuyện bản, mường; nghi lễ dân gian và văn học dân gian dân tộc Thái. Ông Lả chia sẻ: Văn hóa dân tộc Thái rất phong phú, đa dạng, dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo... Còn sức khỏe, là tôi còn nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy cho con cháu, mong muốn văn hóa Thái sống mãi với thời gian.

Các dân tộc Sơn La nổi tiếng với nghệ thuật múa truyền thống bởi kho tàng nghệ thuật múa dân gian phong phú, có nhiều tác phẩm âm nhạc đậm bản sắc trên nền tảng nguồn cảm hứng dân ca, dân vũ của các dân tộc trong tỉnh. Với nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ tài năng, đưa âm nhạc, múa dân tộc lên tầm cao mới và đi cùng năm tháng. Nổi bật là múa khăn, múa quạt, múa xòe... của dân tộc Thái, múa khèn dân tộc Mông, múa chuông dân tộc Dao, múa Khơ Mú... Ngoài ra, kho tàng dân ca, âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La cũng vô cùng đa dạng, phản ánh đời sống sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Mỹ thuật và nhiếp ảnh có bước phát triển, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận với nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao…
Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhất là hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp của tỉnh phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, các hoạt động đối ngoại của đất nước, của tỉnh được quan tâm. Nhờ đó, hoạt động biểu diễn phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Sơn La trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Những thành tựu đạt được trong chặng đường 50 năm qua đã tạo nền tảng vững chắc để văn học, nghệ thuật của tỉnh phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là nguồn cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin, động lực cho đội ngũ văn, nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật; giữ gìn, bảo tồn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!