Trên những nẻo đường cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh

Hai hàng chữ đầy triết lý nhân sinh thật sâu xa của Phật giáo khắc ở Chùa Hang, sát biển phía bắc đảo Lý Sơn: “Đừng lấy đi cái gì ngoài các bức ảnh/Đừng để lại cái gì ngoài những dấu chân” gợi cho tôi thêm kính phục các nghệ sĩ nhiếp ảnh.10 năm làm công tác quản lý ở Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, tôi may mắn được theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh đi dọc các vùng miền đất nước để cảm nhận sâu sắc thêm niềm đam mê của họ.

                      

           

Nghệ sỹ nhiếp ảnh sáng tác ảnh nghệ thuật mùa hoa ban nở.

Ảnh: Huy Ngoan

           

Được dự khoảng 60 trại sáng tác tại tỉnh và các trại sáng tác do các hội Trung ương mở ở tại các địa phương, tôi rất cảm phục tinh thần say mê sáng tạo của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Suốt nửa tháng trời dự trại, họ chỉ ăn cơm chung đủ mặt với các chuyên ngành ở bữa khai mạc và bữa tổng kết. Hàng ngày, dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng với đồ nghề lỉnh kỉnh, họ ào ào phóng xe máy đến khuya mới về, thậm chí mấy ngày mới thấy mặt họ ở trại sáng tác.

           

Tôi còn nhớ mùa hè 2016, dự trại sáng tác ở Đà Nẵng do Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam mở, tôi và Ngọc Vinh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam sinh hoạt tại Chi hội nghiếp ảnh Sơn La được ra đảo Lý Sơn tác nghiệp. 4 giờ sáng, chúng tôi đã lục tục treo, chằng đồ nghề, rồi chiếc xe máy nhảy chồm chồm trên chặng đường gồ ghề đang được nâng cấp, qua cánh đồng ngát thơm mùi hành non lúc cuối đêm, đầu ngày, leo dốc ngoằn ngèo lên núi Thới Lới - dãy núi cao nhất của Đảo Lý Sơn.

           

Nơi đây có cột cờ cao vút hiên ngang nhìn ra biển Đông. Đây là địa điểm đẹp nhất, hùng vĩ nhất, thiêng liêng nhất của đảo. Vì có nghề, mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn sườn đồi phía trên cột cờ để dựng chân máy, lắp máy hướng về phía cột cờ, hướng về phía biển đông, hướng về phía mặt trời sắp mọc mai phục chọn khoảng khắc đẹp nhất để bấm máy. Chỉ có vị trí “đắc địa” ấy, thời điểm ấy, góc đặt máy ấy, chụp ngược sáng thì mới có ảnh nghệ thuật của cột cờ, mặt trời hồng sẫm gối trên mây, thả sắc hồng sẫm lung linh trên sóng biển, cùng lá cờ vờn gió trên cao.

           

 Xế chiều, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Vinh lại tiếp tục trèo lên đỉnh Liêm Tự, bò ra mỏm đá cao chót vót, dấu tích của miệng núi lửa tác nghiệp. Ống kính của anh hiện rõ cảnh Chùa Đục, Quan Âm Đài, núi biển trong ráng chiều ngũ sắc.

           

Theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh, để có bức ảnh ưng ý khi mặt trời “bò” lên từ sóng biển lúc rạng đông và “chui” xuống biển lúc hoàng hôn, thì trời phải trong; mai phục hàng tuần, hàng tháng mới có. Nó là nghệ thuật của khoảnh khắc mà!

           

Về với Sơn La, vùng thảo nguyên mênh mông Châu Mộc những năm gần đây thu hút hàng ngàn nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước và quốc tế tìm đến. Cái đẹp kỳ diệu của cảnh sắc con người nơi đây được ghi vào các bức ảnh nghệ thuật đi khắp thế giới. Đây là hạnh phúc cho vùng đất, con người Sơn La, là địa chỉ đẹp để văn nghệ sĩ, nhất là chuyên ngành nhiếp ảnh hội tụ, lan tỏa.

           

Chi hội Nhiếp ảnh của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La có nhiều hội viên nhất, trong đó có hàng chục nghệ sĩ là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều người đạt Huy chương vàng quốc gia, quốc tế và danh hiệu quốc tế như nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Tuấn, Trọng Hải, Xuân Trường, Ngọc Vinh, Đinh Phong, Hà Bắc... Trong số 12 chi hội của Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật tỉnh thì Chi hội Nhiếp ảnh tham gia nhiều cuộc thi, cuộc triển lãm tại các cơ quan tỉnh, tỉnh bạn, các cơ quan trung ương. Hàng năm, có hàng ngàn bức ảnh được quảng bá rộng rãi trong tỉnh và toàn quốc. Đây là số lượng tác phẩm gấp nhiều lần các chuyên ngành khác. Nhiều tác phẩm được quảng bá đến nhiều quốc gia.

           

Một điều tôi chưa lý giải được là: Đa số văn nghệ sĩ có cá tính mạnh mẽ nhưng ở chuyên ngành Nhiếp ảnh lại đậm nét hơn. Quanh năm suốt tháng rong ruổi dặm trường, ào ào đi, ào ào đến rồi lặng lẽ cô đơn săn lùng cái đẹp đã in đậm trong phong cách họ. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh không qua trường lớp đào tạo bài bản nào. Họ có năng khiếu, đam mê, tự học và học đồng nghiệp là chính, đi rất nhiều, chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận bỏ nhiều thời gian, công sức, tiền của để lao vào con đường nghệ thuật. Cuộc sống là trường học đã đào luyện họ để có những bức ảnh vô giá. Họ trả nghĩa cho cuộc sống là góp phần cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, nhân văn hơn.

           

Năm tháng qua đi, cái đẹp của nghệ thuật là vĩnh cửu. Hai từ: “Bức ảnh”, “Dấu chân” ghi ở Chùa Hang trên đảo Lý Sơn luôn nhắc nhở tôi trên chặng đường du lịch, đi thực tế, trong cuộc sống tâm linh và cũng để tôi thêm kính phục những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Với nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi luôn là công chúng, người thưởng thức tích cực.

           

Trần Đại Tạo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới