Từ lâu nay, túi nilon trở thành vật dụng thông thường hằng ngày, bởi bền chắc, tiện dụng, giá thành thấp, đa dạng màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng, sử dụng phổ biến khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoạt động. Mỗi ngày, hàng trăm, hàng triệu túi nilon đủ loại được sử dụng, rồi thải ra môi trường, gây nguy cơ “ô nhiễm trắng”.
Bình luận về chủ đề này, ông trung niên thở dài:
- Từ chợ truyền thống tới các cửa hàng, siêu thị, bây giờ đâu đâu cũng thấy người tiêu dùng sử dụng túi nilon. Mua một cân đường, mớ rau, lạng thịt hay bất kể vật dụng gì, người ta đều cho vào túi nilon, chứ chẳng mấy ai nghĩ đến dùng túi giấy hay bao bì tái chế dễ phân hủy. Có ty tỷ cách lý giải khác nhau về thói quen này: “Tiện lắm! Không phải mang theo túi hay làn, lích kích”, "Mỗi món đồ một túi, gọn ghẽ, tiện dụng”,... và tất cả trở thành thói quen khó bỏ. Kể cả đã dùng làn đi chợ, vẫn dùng túi nilon để phân loại thực phẩm chín, đồ ăn sẵn hay các món tươi sống...
Tỏ ra quan ngại, anh chàng nhỏ thó lắc đầu:
- Xét cho cùng, túi nilon không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, mà còn để lại hệ luỵ khôn lường, “gánh nặng” cho môi trường, bởi chúng rất khó phân hủy, nếu lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất địa vật lý, gây xói mòn, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi; chúng còn làm tắc nghẽn ao hồ, sông suối, hư hỏng cống rãnh, mương phai, ô nhiễm môi trường đất và nước. Nên nhớ, túi nilon nhuộm màu chứa rất nhiều kim loại nặng như chì, cadimi..., còn nếu dùng đựng đồ ăn nóng hoặc đốt, chúng sản sinh nhiều hoạt chất, tạo khí thải chứa dioxin, furan... gây ngộ độc, ung thư, giảm khả năng miễn dịch...
Bác da ngăm ngăm bỗng xa xăm:
- Chúng ta đã rất quen với hình ảnh các bà, các mẹ đi chợ xách theo những chiếc túi, làn nhựa để đựng thực phẩm, rau xanh, hoa quả..., nhưng những hình ảnh này đã trở nên hiếm gặp bởi những chiếc làn mây tre, làn nhựa đã được thay thế bởi vô số bao nhựa, túi nilon đủ mọi kích cỡ, màu sắc. Cái thì đựng đồ ăn chế biến sẵn giò, chả, bánh kẹo; cái thì chứa thực phẩm tươi sống rau, thịt, đậu, cá, trái cây; chỉ vài củ tỏi, củ gừng, mớ hành, quả ớt... cũng một túi nilon hẳn hoi. Thế mới dẫn đến ô nhiễm, các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”. Ý thức mối nguy hiểm, họ đã đề xuất xóa bỏ hoàn toàn sử dụng túi nilon, nhựa; thay thế bằng các vật liệu thân thiện, dễ phân hủy; khuyến cáo các cửa hàng, siêu thị mở những gian hàng “không nhựa”; Chính phủ nhiều quốc gia còn áp thuế để dần loại bỏ túi nilon, nhựa; cấm mua bán và sản xuất những sản phẩm nilon, nhựa...
Nhăn trán, nhíu mày, ông trung niên quả quyết:
- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; Luật Thuế bảo vệ môi trường cũng quy định túi nilon là một trong 8 loại hàng hóa bị áp thuế nhằm hạn chế sử dụng. Vẫn biết, thay đổi thói quen không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần bền bỉ, lâu dài, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ý thức tự giác của mỗi người dân. Chỉ khi đó, mọi người mới không sử dụng cốc, ống hút bằng nhựa mà làm quen ống hút bằng tre, bằng giấy; thay vì sử dụng túi nilon để gói đựng hàng hoá, thực phẩm ở siêu thị, chợ thì mang theo những làn mây tre, hay lá dong, lá chuối, từ chối những hộp đựng cơm, thức ăn bằng xốp hoặc nhựa... Tất nhiên, phải ưu tiên sản xuất, cung cấp các loại túi giấy, túi sinh thái thân thiện môi trường; tuyên truyền trong các buổi họp bản, tổ dân phố và coi việc không sử dụng túi nilon cũng là một tiêu chí thi đua; khuyến khích sử dụng các loại làn, túi xách bằng mây tre, giấy... Mỗi người hãy tự giác hạn chế rồi loại bỏ thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!