Nghệ thuật chế tác trang sức bạc của dân tộc Thái ở Thuận Châu

Từ xa xưa, bạc là kim loại quý, được đồng bào dân tộc Thái coi trọng, sử dụng trong nhiều việc trọng đại, như: Sính lễ cưới hỏi, của hồi môn, cùng nhiều nghi lễ quan trọng khác... Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cùng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, đồ trang sức bạc bị cạnh tranh, thay thế bởi chất liệu khác có giá thành rẻ, dễ chế tác. Nằm trong guồng quay đó, nghề chế tác trang sức bạc cùng dần bị mai một, song ở huyện Thuận Châu (Sơn La), vẫn còn những người thợ kim hoàn dân tộc Thái đang cố gắng duy trì, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một số thành phẩm trang sức như cúc áo và vòng tay của dân tộc Thái

Thăm gia đình thợ kim hoàn Quàng Văn Hoài, bản Bó Lanh, xã Chiềng Ly (Thuận Châu), chúng tôi bị thu hút bởi tiếng đập, gọt, giũa nhịp nhàng phát ra từ khu xưởng. Bên trong, ông Hoài cùng con trai đang hoàn thiện bộ cúc áo cóm, vòng cổ bằng bạc cho khách hàng.

Ông Quàng Văn Hoài không ngại ngần bày tỏ: Từ nhỏ, thấy những người thợ làm ra những chiếc xà tích, trâm cài tóc hay bộ cúc áo có hoa văn tinh xảo, tôi rất ngưỡng mộ và mong có ngày mình có thể tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ như vậy. Lúc đó 20 tuổi, tôi theo một thợ kim hoàn trong bản để học nghề, đến khi lành nghề, tôi ra mở xưởng riêng. Ngày ấy, trong bản và khu vực lân cận có nhiều người làm nghề này lắm, nhưng nay thị trường ngày càng đa dạng các sản phẩm trang sức đẹp, rẻ, nhu cầu sử dụng của người dân dần ít đi, nên nhiều thợ làm bạc chuyển sang ngành nghề khác. Đến nay, chỉ còn mỗi xưởng của gia đình tôi. 

Bạc được nung chảy rồi đổ vào khuôn...

...rồi dùng búa đập để loại bỏ bong bóng khí và tạp chất trong bạc.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Hoài chia sẻ thêm: Muốn làm được một sản phẩm bạc sáng đẹp, bền, thì quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Bạc trắng phải nhiều tuổi, ít nhất từ 9 năm tuổi trở lên thì trang sức mới đạt đủ độ bóng, cứng, nếu không nó dễ méo mó, gãy vỡ trong quá trình sử dụng.

Các khâu chế tác chủ yếu làm thủ công

           

Khối bạc thô, sau khi được lựa chọn kỹ càng sẽ được nung chảy đổ vào khuôn, tôi qua dung dịch chuyên dụng, rồi dùng búa đập để loại bỏ bong bóng khí và tạp chất trong bạc. Khi khối bạc đã đạt yêu cầu sẽ được cán thật mỏng rồi đo, cắt theo kích thước sản phẩm định chế tác thêm khâu chạm khắc đối với các loại trang sức như nhẫn, vòng, trâm cài... rồi mài giũa cho các góc cạnh mềm mại, sáng bóng. Các khâu chủ yếu làm thủ công, mất nhiều thời gian, nhưng các chi tiết trên mỗi sản phẩm có vẻ đẹp riêng chứa đựng sự tỉ mỉ, tâm huyết của người thợ chế tác.

Khuôn tạo hình cúc bạc được thợ kim hoàn tự chế tác.

Không chỉ lưu giữ lại những hoa văn cổ có họa tiết các loại: Bướm, ve sầu, nhện, hoa mai, lá sắn..., người thợ kim hoàn ngày nay đã sáng tạo ra các loại hoa văn theo hướng hiện đại, như cánh hoa sen, tia mặt trời, mây núi cách điệu... nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hấp dẫn khách hàng, đặc biệt là những cô gái trẻ.

Mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm huyết, sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ kim hoàn.

Chị Lường Quỳnh Chi, tiểu khu 9, thị trấn Thuận Châu, nói: Yêu thích và trân trọng trang sức bạc cổ truyền của dân tộc Thái, nên tôi thường đặt trang sức làm tại xưởng bạc nhà ông Hoài để tặng người thân. Các sản phẩm làm thủ công từ bạc nguyên chất bền, sáng, hoa văn tinh tế và rất đẹp.

Một số bộ cúc bạc có hoa văn hiện đại.

Đa dạng sản phẩm từ bạc sẽ bắt nhịp kịp thời với thị hiếu khách hàng để nghề chế tác bạc truyền thống của dân tộc Thái ở Thuận Châu sẽ còn mãi, được quan tâm, lưu truyền cho những thế hệ mai sau. 

Cô gái Thái trong trang phục và trang sức bạc truyền thống.

Hàng cúc bạc không thể thiếu để tạo nên trang phục của người con gái Thái.

           

Thủy Tiên - Phan Hưng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới