Nét văn hóa riêng của dân tộc Dao Tiền

Đồng bào dân tộc Dao ở Việt Nam được chia thành 7 nhóm với hơn 10 chi, có tên gọi khác nhau được phân biệt chủ yếu ở bộ trang phục truyền thống. Trong đó, Dao Tiền là nhóm duy nhất mặc váy. Nhưng, đó không phải là lý do duy nhất để chiếc váy của người Dao Tiền được chú ý. Điều làm nên sự đặc biệt của chiếc váy truyền thống trong trang phục của phụ nữ Dao Tiền chính là cách thức độc đáo vẽ hoa văn bằng sáp ong trên váy nhuộm chàm.

                      

           

Vẽ hoa văn bằng sáp ong được phục dựng

tại “Ngày hội văn hóa dân tộc Dao” do Bảo tàng tỉnh tổ chức.

           

Đồng bào Dao có câu hát “Lớn lên anh theo cha đi cày nương/ Em theo mẹ nhuộm chàm thêu hoa trên váy mới”. Cách “thêu hoa” trên váy của phụ nữ Dao Tiền ở Sơn La rất đặc biệt. Nếu như nhiều dân tộc khác dùng chỉ màu để tạo nên nét ấn tượng riêng có của bộ trang phục, thì phụ nữ Dao Tiền lại dùng vải nhuộm chàm và sáp ong để tạo nên hoa văn trên chiếc váy của mình. Váy của phụ nữ Dao Tiền trông vẻ ngoài đơn giản, nền nã, không có màu sắc sặc sỡ nổi bật, nhưng đằng sau đó lại là cả một câu chuyện dài về quy trình làm váy, tạo hoa văn từ sáp ong và nhuộm chàm kỳ công, phức tạp.

           

Phải mất ít nhất 3 tháng để tạo nên một chiếc váy hoàn thiện và qua 5 bước cơ bản: mài bóng vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, đánh tan sáp ong và phơi khô. Để làm nên một chiếc váy đẹp, đầu tiên, phải chọn được loại vải thô trắng có sợi nhỏ, rồi cắt thành 5 mảnh với khổ vải rộng khoảng 40 cm, dài 45 cm.

Sau đó, đặt miếng vải trên bàn đá, dùng nanh lợn rừng mài nhiều lần cho thật nhẵn và bóng mịn, mục đích là để khi chấm sáp ong có độ bám dính tốt, không bị thấm ngược ra mặt sau. Sau khi vải đã được mài bóng sẽ đến công đoạn quan trọng nhất là tạo hình hoa văn, bằng cách dùng một số dụng cụ đặc biệt để chấm sáp ong đun chảy và “vẽ” hoa văn trên vải. Công đoạn này rất kỳ công và mất thời gian, đòi hỏi người phụ nữ phải thật khéo léo, kiên nhẫn.

Dụng cụ để chấm sáp ong, gồm: Dụ pơi (một thanh sắt nhỏ được uốn hình chữ T), Vè (một que tre nhỏ tạo hình chữ V), Chùn thố (2 ống tre to và nhỏ) và Phong sáo (một loại lá khô dùng khi chấm sáp ong). Sáp ong khoái là nguyên liệu chính để vẽ hoa văn truyền thống. Sáp được đun nóng chảy trên một chiếc đĩa nhôm đặt trên một chiếc kiềng nhỏ, phía dưới là than đốt từ vỏ cây lâu năm. Vải đã mài bóng được trải trên một chiếc nia nhỏ để người vẽ dễ dàng chấm sáp ong tạo hoa văn trên đó.

Mỗi dụng cụ kể trên sẽ tạo hình những hoa văn khác nhau: Vè dùng để tạo hình đường thẳng. Dụ pơi để chấm phía trong các hình vuông và tam giác tạo bởi Vè. Phong tháo dùng để tạo các đường viền. Còn Chùn thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Cả 5 miếng vải sẽ được vẽ hoa văn giống hệt nhau sau đó mang đi ngâm chàm, phơi khô ở nơi mát, công đoạn này được lặp lại 6-7 lần cho đến khi miếng vải có màu xanh tím than hoàn toàn rồi mới đem đi luộc qua nước sôi để làm bong hết sáp ong tạo hình trên vải trước đó.

Phần chấm sáp ong không bị nhuộm chàm nên vẫn giữ được màu trắng nguyên bản. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm trong chuẩn bị nước ngâm chàm, nhuộm vải để sau khi sáp ong bong ra, phần vải đã nhuộm chàm không bị phai màu, còn hoa văn chấm bằng sáp ong có màu trắng đều, đẹp, không bị loang màu chàm. Các miếng vải sau đó sẽ được khâu ghép lại với nhau để tạo thành chiếc váy hoàn chỉnh.

Chính bởi nhiều công đoạn phức tạp, nên ở mỗi bản người Dao Tiền chỉ có số ít người phụ nữ lớn tuổi biết làm váy chấm sáp ong. Một chiếc váy được đánh giá là đẹp phải có màu chàm đều, hoa văn màu trắng tinh rõ nét, các đường ghép nối đường chỉ khéo léo.

Ngày nay, thay vì chấm sáp ong để tạo hình hoa văn phức tạp, ở nhiều nơi đã sử dụng loại máy in đặc biệt để in hoa văn màu trắng lên nền vải nhuộm chàm tạo thành những chiếc váy truyền thống có đường nét hài hòa, đẹp mắt mà không mất quá nhiều thời gian. Mặc dù vậy, vẫn rất nhiều phụ nữ Dao Tiền gắn bó lâu năm với công việc tỉ mẩn này.

Bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao Tiền

Những ngày mưa dầm tháng 7, gác lại việc đồng áng, nương rẫy, các bà, các chị khéo tay lại tranh thủ dở món dụng cụ được coi như “báu vật” của mình ra, ngồi cả ngày bên góc bếp yên tĩnh, dùng sáp ong vẽ lại tác phẩm hoa văn của bao thế hệ đồng bào Dao truyền lại. Và trong cộng đồng của họ, người phụ nữ Dao Tiền vẫn luôn nâng niu những bộ trang phục truyền thống đại diện cho văn hóa cội nguồn dân tộc mình.

Với đồng bào Dao Tiền, chiếc áo nhuộm chàm, chiếc váy chấm sáp ong không thể đong đếm được bằng trị giá vật chất cụ thể mà ở giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần và cả tín ngưỡng truyền đời của đồng bào dân tộc Dao.

Thảo Nguyên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới