Giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa trong trường học

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

 Học sinh trường PTDT nội trú tỉnh tham gia CLB sáo trúc, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. 

Thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Nhà trường đã lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... truyền dạy cho học sinh kiến trúc nhà sàn, trang phục, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian... Phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, hội thi liên quan đến văn hóa các dân tộc cho học sinh. Ngoài ra, vào ngày thứ 2 đầu tuần và các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, quy định học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Em Hạng A Hải, học sinh lớp 12A2, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ: Chúng em được tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp như tham quan, tìm hiểu thực tế tại các điểm di tích lịch sử, chơi các trò chơi dân gian bắn nỏ, đẩy gậy, kéo tay, đi cà kheo... Ngoài ra, em còn tham gia CLB sáo mông tại nhà trường. Từ các phong trào, hoạt động, em hiểu thêm về giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học -THCS xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tạo sân chơi để học sinh phát triển năng khiếu, giữ gìn phát huy giá trị bản sắc văn hóa, tháng 10/2022, nhà trường đã thành lập 5 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật dân tộc, với hơn 100 học sinh bán trú tham gia. Tùy sở trường, năng khiếu, mỗi học sinh đăng kí tham gia hoạt động thêu khăn piêu, hát, múa, nhạc cụ, thể thao. Vào tối thứ 5 hàng tuần, các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ tại sân trường.

Học sinh trường PTDT bán trú tiểu học - THCS Phiềng Pằn, huyện Mai Sơn tham gia CLB nghệ thuật tại trường học. 

Thầy giáo Đào Hồng Quân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Sau 2 tháng hoạt động, các câu lạc bộ nghệ thuật và thể thao đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, góp phần tạo hứng thú cho học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Chúng tôi định hướng tổ chức các hoạt động để học sinh hiểu hơn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa của quê hương.

Toàn tỉnh hiện có 609 trường học, với trên 385.800 học sinh, 100% các trường tiểu học, THCS, THPT đều đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Hội đồng biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương, lồng ghép, tích hợp vào một số tiết dạy trong các môn học; chỉ đạo các nhà trường xây dựng phòng truyền thống của nhà trường gắn liền với lịch sử và dư địa chí của địa phương. Hàng năm, các trường học căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống dân tộc, như Lễ hội cầu mưa (dân tộc Thái); Lễ hội cầu an, Lễ hội làm bánh dày (dân tộc Mông); Lễ hội cấp sắc (dân tộc Dao)... Đồng thời, khuyến khích học sinh tự làm các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của dân tộc mình thông qua các hội thi: Thêu khăn piêu; làm sáo của người Mông; gói bánh chưng, cách bày mâm ngũ quả trong ngày Tết.

Học sinh trường PTDT nội trú tỉnh tham gia chơi trò chơi dân gian trong các hoạt động ngoại khóa. 

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Đưa văn hóa các dân tộc của tỉnh vào giảng dạy trong trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để việc giảng dạy hiệu quả, các giáo viên cần tích cực tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về nét đẹp văn hóa truyền thống của từng dân tộc để truyền dạy cho học sinh. Bên cạnh đó, xây dựng phòng truyền thống của nhà trường, thư viện văn hóa để trưng bày, lưu giữ, quảng bá các sản phẩm văn hóa dân tộc do học sinh sưu tầm, hoặc sáng tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài và kịp thời các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc.

Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực không chỉ giúp học sinh các dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới