Vân Hồ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Huyện Vân Hồ có độ cao trung bình từ 600 m - 800 m so với mặt nước biển, nhiều vùng ở độ cao 1.000 m, có khí hậu mát về mùa hè, thuận lợi để phát triển các cây ôn đới và nhiệt đới, đặc biệt là gieo trồng các loại cây dược liệu, rau, hoa trái vụ và phát triển du lịch, kết nối với du lịch huyện Mộc Châu trong quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu và du lịch Tây Bắc.

Người dân xã Vân Hồ thu hoạch rau.

Theo khảo sát, Vân Hồ có khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại 7 xã: Vân Hồ, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Tô Múa, Lóng Luông, Xuân Nha và Song Khủa với diện tích khoảng 600 ha, thuộc quy hoạch vùng rau, hoa tập trung trọng điểm của huyện. Trong đó, phát triển rau, hoa chất lượng cao 200 ha, phát triển cây dược liệu 150 ha, còn lại là cây ăn quả, chè chất lượng cao.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vân Hồ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2015 - 2020) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm với mục tiêu đến năm 2020 sẽ khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện việc nghiên cứu chọn lọc giống lúa địa phương chất lượng cao; xây dựng các mô hình, dự án thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản chế biến sản phẩm; xây dựng thương hiệu một số nông sản chủ lực của huyện; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng rau an toàn, rau trái vụ tập trung; quy hoạch bảo tồn nguồn gen cây dược liệu gắn với phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phát triển bền vững và hiệu quả một số cây dược liệu chính tại huyện Vân Hồ...

Đồng chí Đỗ Quốc Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Trạm Khuyến nông các xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đến nhân dân tại các xã, bản, tiểu khu để nông dân hiểu rõ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, thời vụ, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân. Hiện nay, các công ty: Công ty TNHH thực phẩm SC Vân Hồ, Công ty cổ phần Dược liệu Vân Hồ, Công ty CPTM Bình Minh 9 đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người dân chuyển đổi sản xuất khi các sản phẩm làm ra sẽ có các công ty bao tiêu, thu mua.

Trong thời gian tới, huyện Vân Hồ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, dự án sản xuất thử nghiệm có triển vọng để áp dụng vào sản xuất và đời sống của người dân; tập trung triển khai một số mô hình trọng điểm như: Ghép cải tạo vườn tạp; trồng cây ăn quả tập trung trên đất dốc; trồng cà chua ghép trên gốc cà tím... Xây dựng thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm như: Quýt Chiềng Yên, lúa tẻ râu Vân Hồ. Triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Vân Hồ trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới