Mô hình lúa tẻ râu ở Song Khủa

Từ nhiều năm nay, trên các cánh đồng của xã Song Khủa (Vân Hồ) được người dân thâm canh các loại giống lúa của tỉnh Thái Bình. Dấu ấn cho người trồng lúa nơi đây là năm 2014, huyện Vân Hồ đã đưa giống lúa tẻ râu vào trồng thử nghiệm tại xã, với quy mô 2 ha. Lúa tẻ râu đã mang lại kết quả tích cực cả về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác cho người dân.

Cán bộ khuyến nông xã Song Khủa (Vân Hồ) hướng dẫn người dân chăm sóc lúa tẻ râu. 

Còn nhớ những ngày cuối của vụ chiêm vừa qua, về xã Song Khủa, hai bên đường là những cánh đồng lúa chín vàng tỏa hương thơm ngào ngạt. Hiện, trên các thửa ruộng này, bà con đang khẩn trương làm đất cho vụ sản xuất mới, khuôn mặt ai cũng tỏ rõ sự vui mừng, phấn khởi vì vừa có một vụ mùa bội thu. Chúng tôi dừng chân tại ruộng lúa ở bản Tà Lạc, trò chuyện với ông Ngần Văn Phú - một trong những hộ trồng lúa tẻ râu đầu tiên của bản. Ông Phú hồ hởi: Gia đình tôi trồng hơn 2.500 m2 lúa tẻ râu, vụ chiêm xuân thu hơn 1,5 tấn. Vụ tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lúa tẻ râu, vì giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất cao, hơn nữa gạo tẻ râu bán được giá hơn các loại gạo khác.

Qua trò chuyện với người dân, chúng tôi được biết, toàn xã có 130 ha ruộng, trong đó 80 ha trồng hai vụ, còn lại 50 ha gieo 1 vụ lúa và trồng cây hoa màu khác. Trước đây, trên diện tích ruộng này, bà con chủ yếu trồng các giống lúa BC15, nghi hương và một số giống lúa khác của tỉnh Thái Bình, dù năng suất đạt 6-8 tấn/ha, nhưng người trồng lúa phải tốn nhiều công chăm bón và chi phí mua thuốc phòng trừ sâu bệnh, nhiều vụ do sâu bệnh nên năng suất đạt thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Hơn nữa, các giống lúa kể trên còn đòi hỏi trong ruộng luôn cần nhiều nước, việc này dẫn đến khó khăn khi sản xuất vào mùa khô. Năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Trạm Khuyến nông huyện đưa lúa tẻ râu vào trồng thử nghiệm tại các xã Song Khủa, Xuân Nha, Mường Tè... giống lúa này được trồng trên nương ở nhiều vùng cao của tỉnh Lai Châu. Mặc dù là giống lúa nương nhưng sau khi 2 ha lúa tẻ râu được trồng thử nghiệm tại bản Lóng Khủa (Song Khủa) cho thu hoạch, giống lúa này đã cho thấy nhiều điểm nổi trội hơn hơn các giống lúa khác, nhất là công chăm sóc. Ưu điểm của lúa tẻ râu là khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, không tốn nhiều công chăm sóc. Qua các vụ lúa của 3 năm trở lại đây đã chứng minh, tẻ râu là giống lúa thích nghi tốt với điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng đất đai ở Song Khủa; không đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao; thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn hơn khoảng 20 ngày so với gieo trồng các loại giống lúa khác; năng suất đạt từ 5-6 tấn/ha. Hơn nữa, chất lượng gạo thơm, ngon và dẻo hơn các giống lúa khác. Vì vậy, gạo tẻ râu ở Song Khủa không chỉ để phục vụ sinh hoạt của các gia đình mà trở thành hàng hóa được nhiều người tiêu dùng ở các xã lân cận và trong huyện ưa chuộng, đặt mua, giá bán cao hơn các loại gạo khác từ 2-3 nghìn đồng/kg; thâm canh 1 ha lúa tẻ râu nông dân sẽ thu cao hơn so với trồng các giống lúa khác khoảng 3 triệu đồng. Theo ông Đinh Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Song Khủa thì gạo tẻ râu trồng ở Song Khủa thơm, ngon hơn gạo tẻ râu trồng ở các xã Xuân Nha, Mường Tè...

Nhớ lại những ngày đầu đưa giống lúa tẻ râu vào đồng ruộng Song Khủa, ông Đinh Văn Lành kể: Quá trình vận động bà con trong xã trồng giống lúa tẻ râu thật không dễ. Bởi người dân cho rằng giống lúa tẻ râu cũng như giống PC15 hay giống nghi hương, tốn nhiều công chăm sóc, chi phí nhiều về phân bón và cả nỗi lo sâu bệnh phát sinh trong thời gian lúa sinh trưởng phát triển. Tuy nhiên, sau khi được chứng kiến kết quả của các hộ tham gia trồng thử nghiệm 2 ha lúa tẻ râu đầu tiên, bà con đã dần tin vào loại giống lúa này. Nhờ vậy, hiện nay toàn xã có hơn 170 hộ dân trồng lúa tẻ râu, với 30 ha, chủ yếu tập trung ở 2 bản Tà Lạc và Lóng Khủa. Bây giờ, ở Song Khủa, lúa tẻ râu đã được xác định là giống lúa chủ lực trong sản xuất lúa, giúp người dân nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Qua trao đổi với ông Đinh Văn Lành, chúng tôi được biết thêm về kế hoạch mở rộng sản xuất gạo tẻ râu của xã, đó là thành lập HTX Lúa tẻ râu của xã; mở rộng diện tích trồng lúa tẻ râu tại 10/10 bản trong xã. Cùng với đó, từng bước xây dựng thương hiệu gạo tẻ râu Song Khủa, để sản phẩm gạo tẻ râu có trên thị trường nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh, góp phần giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới