Là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, nằm ven sông Đà, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Suối Bàng (Vân Hồ) luôn nỗ lực trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế; tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Người dân bản Ấm, xã Suối Bàng (Vân Hồ) chăm sóc vườn cây ăn quả trên đất dốc.
Tại trụ sở UBND xã, trao đổi với chúng tôi về tình hình kinh tế, xã hội của xã, đồng chí Vì Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Suối Bàng được thành lập vào năm 1954 trên cơ sở tách ra từ xã Đoàn Kết (xã Quy Hướng, Mộc Châu ngày nay) và được đặt tên là xã Cộng Hòa, đến năm 1978, xã Cộng Hòa được đổi tên thành Suối Bàng như ngày nay. Suối Bàng có 12 bản với hơn 800 hộ dân thuộc 5 dân tộc gồm: Kinh, Mường, Thái, Dao và Mông đoàn kết sinh sống. Nơi đây, người dân chủ yếu làm nghề thuần nông, xã có trên 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng phần lớn là đất đã bạc màu, năng suất, chất lượng cây trồng thấp, cùng với đó, giao thông đi lại khó khăn, nhất là từ xã đến các bản nên giá bán nông sản của bà con rất thấp và có lúc bị tư thương chèn giá, ép giá. Chăn nuôi phần lớn các hộ nuôi theo hình thức chăn thả, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Tìm hiểu được biết, là xã nằm ven sông, người dân một số bản đã nuôi cá lồng từ năm 2014, tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ của xã các lồng cá này chưa cho hiệu quả kinh tế như mong đợi. Bởi vào khoảng từ tháng 8-10 hằng năm, nước từ suối Lồi đổ ra sông làm nước đục, do vậy cá chết do bị ngạt. Cùng với đó, hiện xã còn 3 bản vùng cao chưa có đường bê tông và chưa có điện lưới quốc gia, đó là: Suối Khẩu, Chiềng Đa và bản Sôi... vào mùa mưa, con đường về các bản lầy lội và trơn trượt, khó có thể đi được vào bản.
Tuy nhiên, trong câu chuyện anh Vì Văn Huy vui mừng thông tin: 5 năm trở lại đây, người dân Suối Bàng đã bước đầu có sự thay đổi tư duy sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Điểm nhấn đầu tiên là, bà con đã chuyển gần 40 ha đất trồng ngô trên nương sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn chín muộn, cam Cao Phong, bưởi da xanh, xoài Đài Loan... Đến nay, hầu hết các vườn cây của các hộ đã cho bói quả. Đây là bước đi cơ bản để xã tiến tới thành lập HTX nông nghiệp Suối Bàng - Là nơi giúp nông dân trang bị thêm những kiến thức về kỹ thuật sản xuất, cũng là nơi gắn kết giữa người sản xuất, hợp tác xã và tiêu thụ sản phẩm... Để minh chứng cho những thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, xã đã giới thiệu chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả tại bản Ấm. Vườn cam rộng khoảng 5 ha; những cây cam được trồng theo hàng cách đều nhau, thuận lợi trong chăm sóc cũng như khi thu hoạch. Được tận mắt nhìn thấy vườn cam đang chuẩn bị thu hoạch lứa quả đầu tiên, chúng tôi cảm nhận được những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân nơi đây. Nếu so với vườn cam đã đạt hiệu quả kinh tế của HTX nông nghiệp Tiến Thành tại xã Chiềng Xuân (Vân Hồ), thì vườn cam bản Ấm cũng cho chúng tôi niềm tin giúp bà con bản Ấm có thu nhập cao. Được biết, trong thời gian tới mô hình trồng cây ăn quả này sẽ được xã nhân rộng ra các bản có điều kiện tương tự.
Anh Quách Công Hưng, Phó Trưởng bản Ấm kể: Trước đây, toàn bộ khu đồi này được người dân trồng ngô, trải qua nhiều năm đất bị xói mòn và bạc màu, nên năng suất cây ngô ngày càng giảm. Do đó, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, Ban Quản lý bản đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp bản để vận động bà con thực hiện việc chuyển đổi. Chúng tôi còn đến từng nhà tuyên truyền cho bà con về mục đích, ý nghĩa của chủ trương chuyển đổi cây trồng. Nhờ vậy, hầu hết đất nương của bản hiện nay đã được phủ màu xanh của cây ăn quả. Tuy nhiên, bản Ấm chúng tôi vẫn mong nhận thêm những hướng dẫn kỹ thuật để vườn cây sẽ giúp người dân trong bản thoát nghèo bền vững.
Mặc dù điều kiện phát triển kinh tế của Suối Bàng cũng như cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của bà con trong giải bài toán thoát nghèo, chúng tôi tin cuộc sống của người dân vùng đất ven sông này sẽ có nhiều thay đổi tích cực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!