Tăng cường giải pháp cấp nước an toàn vào mùa khô

Địa hình các khu dân cư, nhất là vùng nông thôn của tỉnh ta chủ yếu là đồi núi dốc, dễ bị sạt lở, lũ cuốn vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Vì vậy, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng cao hoạt động kém hiệu quả. Vào mùa khô, công suất cấp nước bị hạn chế do nguồn nước khô cạn, bùn cát gây tắc đường ống dẫn nước, giảm chất lượng nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Người dân xã Bó Mười, huyện Thuận Châu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Để giảm bớt những tác động xấu của môi trường đến hiệu quả cấp nước của các công trình, cần có những giải pháp tích cực để đơn vị quản lý và người dân thụ hưởng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nâng cao trách nhiệm bảo vệ, trữ nước an toàn vào mùa khô.

Với những công trình cấp nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, việc bảo vệ nguồn nước được thực hiện liên tục và đảm bảo cấp nước thường xuyên cho các hộ dân. Nhờ những giải pháp bảo vệ tốt, có đội ngũ kỹ thuật, có nguồn thu từ phí cấp nước sinh hoạt hợp lý nên quá trình duy tu, bảo dưỡng, vận hành luôn được đảm bảo, kịp thời khắc phục các sự cố do thời tiết, môi trường. Những công trình áp dụng mô hình quản lý này đều đáp ứng nhu cầu cấp nước cho nhiều hộ dân nhưng những công trình này chiếm tỷ lệ thấp.

Hiện nay, có đến 97% số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang được áp dụng hình thức quản lý bảo vệ theo cách truyền thống là giao cho cộng đồng quản lý. Do vậy, để đảm bảo cho việc cấp nước, phần lớn cần sự trách nhiệm, ý thức bảo vệ chung của cả cộng đồng, nhất là người dân ở khu vực hưởng lợi từ công trình. Từ thực tế, nhiều công trình dù quy mô nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả nhờ ý thức bảo vệ công trình của cộng đồng được nâng cao. Có thể kể đến công trình cấp nước sinh hoạt bản Sang, xã Mường Bú (Mường La), hạng mục hoàn thành đầu tiên của công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Mường Bú. Ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015, công trình đã được bản cử ra một tổ quản lý trạm cấp nước thực hiện công tác quản lý, vận hành. Ông Cà Văn Mai, Trưởng bản Sang, cho biết: Ngay sau khi khánh thành, tổ quản lý công trình đã tăng cường theo dõi, kiểm tra hoạt động của công trình, kịp thời khắc phục những sự cố nhỏ và báo cáo với đơn vị thi công khi có các vấn đề phức tạp về kỹ thuật. Bản còn tổ chức họp dân, tuyên truyền bà con không phun thuốc trừ cỏ gần khu vực trạm cấp nước, giữ vệ sinh nguồn nước và trồng cây, bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nước. Nhờ vậy, công trình này luôn cấp đủ nước cho người dân trong bản, kể cả vào mùa khô.

Tính đến năm 2016, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT đã đứng ra làm chủ đầu tư 192 công trình cấp nước sinh hoạt. Các công trình này chủ yếu được xây dựng ở vùng núi khan hiếm nước, dựa vào các nguồn nước tự nhiên lộ trên mặt đất như: suối, mó nước. Vào mùa khô, những nguồn nước này đều có xu hướng giảm, thậm chí là khô cạn, khiến các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân bị hạn chế hoặc thiếu. Ngoài tác động của môi trường, những hoạt động của con người từ việc canh tác, sản xuất hoặc áp dụng các giải pháp quản lý, bảo vệ công trình và nguồn nước không hợp lý cũng dẫn đến tình trạng làm ảnh hưởng đến hiệu quả cấp nước của các công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương khác, các công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả, một phần do ý thức bảo vệ của người dân, trước hết là bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nước. Cùng với đó là thiếu các giải pháp chủ động như: Xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế bảo vệ nguồn nước; có hàng rào bảo vệ xung quanh khu vực nguồn nước và nơi thu nước, tổ chức kiểm tra sau bão lũ; định kỳ súc xả, làm sạch đường ống; báo cho đơn vị thi công khi phát hiện sự cố bất thường; tuyên truyền người dân không động đào các kênh rạch tưới tiêu gần khu vực lấy nước nguồn. Đặc biêt, vào mùa khô, mỗi hộ dân cần sử dụng tiết kiệm nước để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong thời gian nước nguồn hạn chế.

Trong thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình quản lý hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư. Trong đó, chú trọng việc triển khai thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra (vay vốn WB). Chương trình là sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành: nông nghiệp, y tế và giáo dục cùng với chính quyền các huyện, xã thuộc địa bàn đầu tư. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tham gia trong giải quyết cấp nước sạch và VSMT nông thôn, tạo bước chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng dân cư. Qua đó, nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước và từng bước tăng cường độ bao phủ cấp nước cho các xã dựa trên sự tham gia đóng góp của cộng đồng.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới