Quản lý, vận hành hiệu quả công trình cấp nước tập trung nông thôn

Những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình: Tái định cư thủy điện Hòa Bình, 134, 135, mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới..., trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.451 công trình cấp nước tập trung, 92% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 56% dân số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Học viên lớp quản lý vận hành công trình cấp nước trao đổi, thảo luận các sự cố thường gặp.

Hiện nay, toàn tỉnh thực hiện quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung theo 4 mô hình: Cộng đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và hợp tác xã quản lý. Đa số các công trình cấp nước tập trung đều được đầu tư với quy mô nhỏ, công nghệ vận hành đơn giản và giao cho UBND xã quản lý. Do vậy, việc nâng cao chất lượng quản lý, vận hành hiệu quả các công trình cấp nước tập trung đang là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh một số UBND cấp xã quản lý, vận hành tốt các công trình cấp nước được giao, vẫn có xã gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, vận hành công trình, qua đó nhiều công trình rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân khá cao. Một trong những nguyên nhân là do hạn hán, thiên tai... làm hư hỏng công trình; thu không đủ bù chi, nên không có đủ tiền để duy tu, bảo dưỡng công trình kịp thời; năng lực của cán bộ quản lý vận hành hạn chế; thay đổi nhân sự trong ban quản lý vận hành công trình...

Trước thực tế trên, ngoài nâng cao năng lực quản lý vận hành cho đội ngũ ban quản lý, tính toán thu đủ bù chi để duy trì hoạt động bền vững của các công trình, UBND các xã hướng tới phương án giao khoán công trình cho tổ chức, cá nhân có năng lực quản lý vận hành công trình. Khi đó, UBND xã với tư cách là chủ quản lý công trình, đảm bảo tính bền vững của công trình và hoạt động cấp nước; đơn vị được giao khoán là đơn vị cấp nước có thu nhập từ dịch vụ (tiền bán nước sinh hoạt); người dân là khách hàng sử dụng nước, chứ không đơn thuần là người được hưởng lợi từ công trình.

Đối với những công trình đang được quản lý vận hành tốt, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành, chất lượng dịch vụ, chất lượng nước. Với những công trình quản lý chưa hiệu quả, cần xem xét nghiên cứu, lựa chọn đơn vị, cá nhân có năng lực, uy tín trong địa phương để giao khoán vận hành khai thác công trình. Với những công trình chuẩn bị nâng cấp, sửa chữa hay xây dựng mới mà định hướng giao cho UBND xã quản lý, thì cần chỉ định cán bộ chuyên trách tham gia vào quá trình giám sát ngay từ khi thi công xây dựng công trình, thông báo kết quả giám sát cho UBND xã và cộng đồng. Giám sát quá trình đàm phán giá nước; đánh giá khả năng chi trả của cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền, thông tin cho cộng đồng về quá trình lựa chọn đơn vị cấp nước... Sau khi công trình hoàn thành và bàn giao, UBND xã ký hợp đồng vận hành với đơn vị cấp nước đã được lựa chọn; đơn vị cấp nước sẽ ký hợp đồng cấp nước với từng khách hàng.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả mô hình cộng đồng quản lý đối với các công trình cấp nước tập trung cấp xã, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tập huấn về quản lý vận hành cho cán bộ quản lý vận hành công trình; xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho bên cung cấp dịch vụ trong hợp đồng giao khoán. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng quy trình bảo trì, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn cho mỗi công trình cấp nước nông thôn; xây dựng phương án trợ giá nước cho khu vực nông thôn... Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn.

Lường Quỳnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới