Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, miền núi, những năm qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Công trình nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Đông (Yên Châu) phát huy hiệu quả sử dụng.
Tuy nhiên, số công trình phát huy tác dụng còn ít, một trong những nguyên nhân khiến các công trình hoạt động kém hiệu quả là việc buông lỏng công tác quản lý và vận hành công trình. Khắc phục tình trạng này và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã phối hợp với các huyện khuyến khích nhân rộng mô hình tự quản công trình nước sạch. Công trình nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Đông (Yên Châu) là một trong những điển hình như vậy.
Công trình nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Đông do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 2 tỷ đồng. Được đưa vào sử dụng từ năm 2000, công trình được chuyển giao cho UBND xã trực tiếp quản lý, vận hành; công trình gồm 2 bể chứa và hệ thống đường ống dẫn nước, phục vụ nước sinh hoạt cho 700 hộ dân của xã. Sau 6 năm đưa vào sử dụng, đến giữa năm 2008, công trình bị hư hỏng do mưa bão dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả và có thời gian dừng hoạt động.
Thấu hiểu những khó khăn của bà con khi thiếu nước sạch sinh hoạt, ông Lò Văn Chanh, bản Đông Tấu, người gắn bó với mảnh đất Chiềng Đông hơn 40 năm đã đứng ra nhận tiếp quản và vận hành công trình nước sinh hoạt của xã. Sau khi tiếp nhận, từ năm 2014 đến nay, công trình đã phát huy hiệu quả tích cực, ngay cả trong mùa khô hạn, công trình không chỉ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho trên 700 hộ dân của 7 bản: bản Chai, Luông Mé, Đông Tấu, Na Pản, Thèn Luông, Nặm Ún, Cung Giao Thông và các vùng phụ cận mà còn mở rộng phục vụ nhu cầu nước sạch cho các trường học, trụ sở làm việc trên địa bàn. Ông Chanh cho biết: Những năm trước, cùng với ảnh hưởng của mưa bão, ý thức giữ gìn và bảo vệ công trình nước sạch của người dân là một trong những nguyên nhân khiến công trình bị hư hỏng. Các bể chứa bị rò rỉ, hệ thống ống dẫn bị vỡ, chắp vá, tỷ lệ thất thoát nước cao. Thêm nữa, vì không có cán bộ chuyên trách vận hành, không có kinh phí để tái đầu tư và sửa chữa nên công trình ngày một xuống cấp trầm trọng. Do vậy, nguồn nước sạch ở các bản cuối nguồn chảy rất yếu.
Qua trò chuyện với ông Chanh, được biết, sau khi nhận bàn giao công trình, ông tự bỏ vốn đầu tư gần 15 km đường ống thay hoàn toàn hệ thống ống dẫn nước bị hư hỏng; đắp vá, sửa chữa bể chứa; điều tiết, cân đối việc cung cấp nước định kỳ để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước, ống dẫn, xây bể chứa nước dự trữ và không xả nước chảy tràn lan để các hộ ở xa đầu nguồn có đủ nước sử dụng.
Theo ông, hầu hết các công trình nước sạch đều đầu tư bằng nguồn vốn của các chương trình, dự án cho đồng bào dân tộc miền núi nên không thu tiền nước của người dân; do đó, khi công trình xuống cấp sẽ không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa. Vì vậy, từ khi tiếp quản công trình, ông cùng với xã tổ chức họp dân để thống nhất phương án thu tiền nước định kỳ với mức giá 3.000 đồng/m3 (mức giá này ổn định trong 5 năm) và khuyến khích người dân lắp đồng hồ nước nhằm sử dụng tiết kiệm nguồn nước, phù hợp với nhu cầu, tránh lãng phí. Dự định trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục cải tạo, sửa chữa công trình để kéo dài tuổi thọ của công trình, duy trì hoạt động cấp nước, phục vụ người dân tốt hơn.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.570 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong số đó có đến 550 công trình hoạt động kém hiệu quả, bị xuống cấp, hư hỏng và ngừng hoạt động, việc cấp nước thường xuyên gián đoạn, hiệu suất phục vụ không quá 50% công suất thiết kế. Do các công trình này sau khi được đầu tư xây dựng, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng không có mô hình quản lý khai thác cụ thể, không có đơn vị đầu mối nào đứng ra bảo quản, sửa chữa, vì vậy nhiều công trình rơi vào tình trạng bị “bỏ hoang”, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, ảnh hưởng đến nhu cầu nước sạch của người dân. Việc cá nhân đứng ra tự quản công trình nước sạch, sẽ có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, giá thành được tính toán bảo đảm phù hợp cung - cầu, có khả năng khắc phục kịp thời sự cố, chất lượng nước đạt chuẩn hơn khi cộng đồng quản lý. Trong khi các công trình nước sạch ở các địa phương không phát huy hiệu quả sau khi bàn giao thì việc xây dựng mô hình cá nhân tự quản lý, vận hành công trình nước sạch như tại xã Chiềng Đông là một giải pháp cần được nhân rộng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!