Sau khi bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình nước sạch, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thống nhất với UBND các xã thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành bảo đảm hiệu quả, bền vững, để người dân được hưởng lợi nhiều nhất...
Các học viên trao đổi kiến thức quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tại lớp tập huấn.
Từ những chương trình, dự án và các nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 1.600 công trình cấp nước tập trung, phục vụ hơn 800 nghìn người dân vùng nông thôn (trên 1.550 công trình do cộng đồng quản lý, 35 công trình do HTX quản lý, 18 công trình do đơn vị sự nghiệp quản lý, 9 công trình do doanh nghiệp và 3 công trình tư nhân quản lý). Qua khảo sát, đa số các công trình hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn; song, vẫn còn trên 36% các công trình do cộng đồng quản lý không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không thu được phí hoặc thu ở mức thấp, thu không đủ chi. Điều đáng lo ngại là một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc sử dụng, làm hệ thống đường ống nhanh bị hư hỏng, rò rỉ, gây thất thoát, thậm chí nước không về đến hộ gia đình sử dụng...
Để nâng cao năng lực quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã lựa chọn người có khả năng, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình cấp nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ hệ thống cấp nước; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ địa chính xã, nhân viên quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt ở các xã, bản tại các huyện trong tỉnh, nhằm trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng quản lý và vận hành công trình cấp nước tập trung; phương pháp thu thập số liệu bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn; kỹ năng tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng và bảo quản đường ống dẫn nước từ bể chứa về gia đình... Ngoài ra, còn tổ chức các đợt tập huấn kỹ thuật vận hành, phương pháp quản lý các trạm cấp nước; hướng dẫn cách nhận biết đường ống dẫn nước bị rò rỉ, dập vỡ, bể lọc bị tắc... cũng như phương pháp xử lý các sự cố, đảm bảo các công trình vận hành liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của người dân.
Trao đổi về việc nâng cao năng lực quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung, ông Nguyễn Tường Thuật, Giám đốc Trung tâm NS và VSMT nông thôn nói: Sau khi hoàn thành việc xây dựng, các công trình được bàn giao và chịu sự quản lý của các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương các biện pháp, phương thức quản lý và vận hành công trình; phối hợp cùng chính quyền địa phương lựa chọn những người đủ khả năng đảm nhiệm công việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân biết cách quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn giúp nhân viên đảm nhiệm việc quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nâng cao kiến thức, kỹ năng khắc phục sự cố thường gặp, biết cách tự bảo dưỡng, sửa chữa một số máy móc, thiết bị khi phát hiện hư hỏng, tránh gây lãng phí trong việc sửa chữa hoặc thay mới các thiết bị tại trạm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!