Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng quan tâm đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn, giúp nhiều hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh tổ chức tập huấn quản lý,
vận hành công trình cấp nước tập trung tại huyện Quỳnh Nhai.
Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cấp nước - vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, lấy Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới làm nòng cốt, thực hiện lồng ghép các chương trình 134, 135; các dự án giảm nghèo bền vững, tái định cư thủy điện Hòa Bình, Sơn La đầu tư công trình cấp nước - vệ sinh môi trường nông thôn; phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025... Với nhiều nguồn vốn từ đóng góp của nhân dân và hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế, từ năm 2000 đến 2018, tỉnh ta đã huy động được trên 1.054 tỷ đồng đầu tư, xây dựng công trình cấp nước - vệ sinh môi trường nông thôn (các chương trình, dự án 678,6 tỷ đồng; tín dụng Ngân hàng CSXH, nhân dân đóng góp hơn 375 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh và hỗ trợ quốc tế, vay Ngân hàng CSXH...). Đến nay, toàn tỉnh có 1.707 công trình cấp nước tập trung nông thôn; 161.144 công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Cùng với đầu tư xây dựng, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý nước đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện của địa phương; cải tiến kỹ thuật để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn nước, như: Công nghệ lắng, lọc áp lực đa tầng, tự điều chế javen để khử trùng nước, xây dựng đập ngầm găng băng thu lấy nước trong tầng ẩm ướt; xây dựng hệ thống cộng tác viên cơ sở tại các xã để thường xuyên giám sát, cập nhật và đánh giá các chỉ tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường. Để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý vận hành các công trình nước sạch nông thôn, tỉnh đã giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường, các doanh nghiệp, tư nhân và cộng đồng quản lý; đồng thời, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý vận hành tại 188 xã. Hiện, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn quản lý 19 công trình, doanh nghiệp quản lý 19 công trình, cộng đồng quản lý 1.659 công trình và 2 công trình do tư nhân quản lý. Điển hình là HTX Bình Thuận, cuối năm 2015, HTX đã tiếp nhận quản lý vận hành công trình nước sinh hoạt cho xã Phổng Lái, HTX đã chi gần 2 tỷ đồng đầu tư nâng cấp công trình hệ thống đường ống dẫn nước đến các hộ gia đình, sau khôi phục, hiện công trình đã hoạt động hiệu quả đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ dân của xã.
Nhờ làm tốt công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình nước cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, hiện toàn tỉnh đã có 88% số người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tình trạng hoạt động của các công trình cấp nước tập trung nông thôn vẫn chưa thực sự bền vững, hiện chỉ có 94 công trình là hoạt động bền vững, 762 công trình hoạt động bình thường, 456 công trình hoạt động kém hiệu quả và 395 công trình không hoạt động. Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao công tác quản lý, vận hành công trình nước sạch tập trung nông thôn. Ưu tiên nâng cấp, mở rộng, nối mạng các công trình cấp nước tập trung hiện có; tính toán hợp lý quy mô công trình xây mới để vừa có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu, vừa đảm bảo ổn định bền vững, đầu tư gắn liền với quản lý, đảm bảo phát huy hiệu quả; đối với khu dân cư phân tán cần áp dụng cấp nước nhỏ lẻ và phải chú trọng hướng dẫn xây dựng, bảo vệ nguồn nước và môi trường; đối với các vùng thị tứ trung tâm cụm xã, quản lý, vận hành cung cấp nước sạch nông thôn theo hướng kinh doanh nước sạch theo cơ chế thị trường, thực hiện hỗ trợ, cấp bù đối với công trình ở vùng sâu, vùng xa theo quy định; đối với các công trình quản lý vận hành chưa hiệu quả thì tổ chức thực hiện đánh giá, xác định giá trị còn lại thực tế của công trình gắn với thời gian sử dụng thực tế và giao cho đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành theo quy định. Sắp xếp củng cố bộ máy làm công tác nước sạch nông thôn gắn với quản lý, vận hành gọn nhẹ, phân công trách nhiệm rõ ràng; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo nâng cao trình độ về kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành; nhân rộng các mô hình quản lý vận hành hiệu quả; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng về bảo vệ công trình, bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm nguồn nước; tăng cường giám sát, quản lý chất lượng nước và quản lý dịch vụ cấp nước đảm bảo bền vững… phấn đấu đến hết năm 2019 có 92% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đến hết năm 2020 có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh bền vững và 65% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!