Nâng cao chất lượng nước sạch ở nông thôn

Trong thời gian qua, việc nâng cao chất lượng nước sạch ở vùng nông thôn đã từng bước góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hầu hết các công trình đang vận hành ổn định và phát huy hiệu quả, cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng kiốt cấp nước cho UBND xã Chiềng Mai (Mai Sơn).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.601 công trình cấp nước. Hằng năm, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn quản lý vận hành công trình cấp nước cho cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước tại các xã của 12 huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần phục vụ tốt nhu cầu cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ công trình nước, bảo vệ nước đầu nguồn và hướng tới 100% người dân trong khu vực có công trình cấp nước tập trung đều tham gia đấu nối sử dụng nước sạch từ công trình.

Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh còn phối hợp với doanh nghiệp quản lý công trình nước đạt hiệu quả cao nhất. Hiện, Trung tâm phối hợp quản lý vận hành 16 công trình nước sạch, ngoài việc đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân, Ban quản lý vận hành những công trình này luôn lấy mẫu nước để xét nghiệm định kì, kiểm tra, phân tích thành phần, chỉ tiêu nhằm đảm bảo an toàn về chất lượng nước cho người sử dụng. Trong năm 2015, Trung tâm đã lấy 188 mẫu nước của công trình cấp nước tập trung và 191 mẫu nước thuộc công trình cấp nước nhỏ lẻ thực hiện 14 chỉ tiêu xét nghiệm theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Kết quả cho thấy, trong 14 chỉ tiêu xét nghiệm chỉ có 2 chỉ tiêu không vi phạm đó là chỉ tiêu về mùi vị và chỉ tiêu về Asen, còn lại 12 chỉ tiêu đều có vi phạm ở mức độ khác nhau. Nặng nhất là nhiễm coliform với 95,8% số mẫu bị nhiễm/tổng số mẫu xét nghiệm, tập trung cao nhất thuộc các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Thành phố; xếp thứ hai là chỉ tiêu về độ đục với mức nhiễm toàn tỉnh chiếm 39,3%/tổng số mẫu; thứ 3 là chỉ tiêu về độ cứng toàn phần với mức nhiễm toàn tỉnh chiếm 32,98%/tổng số mẫu. So với giới hạn tối đa cho phép thì các mẫu nước nhiễm đều vượt, ở các mức độ khác nhau. Điều đáng nói là các vi phạm quy chuẩn rất khó phát hiện bằng mắt thường, nhiều mẫu nước nhìn bình thường có thể thấy khá trong, không vẩn đục hay mùi lạ nhưng lại nhiễm cloliform hay e.coli. Điều này đã gây tâm lý chủ quan cho hầu hết người sử dụng nước, dẫn tới những nguy hại cho sức khỏe. 

Là người có thói quen sử dụng nước mưa và nước giếng trong ăn uống và sinh hoạt, anh Nguyễn Công Hậu, phường Chiềng Cơi (Thành phố), cho biết: Thông thường thì gia đình anh sử dụng nước mưa, nước giếng không qua xử lý, chủ yếu dùng nước theo cảm nhận bằng mắt, thấy trong thì dùng nên không biết trong nước có thành phần có hại cho sức khỏe hay không...

Theo đánh giá của chuyên môn, đặc điểm của nguồn nước ngầm chủ yếu là thừa các thành phần như CO2, Fe2+, Mn2+ nhưng lại thiếu ôxi; trong đó, phần lớn các mẫu nước ngầm có thành phần sắt cao. Chính vì lí do này khiến chất lượng nước ở các vùng nông thôn thường thấp do việc các hộ dân bơm nước ngầm lên sử dụng ngay, hoặc xây dựng bể lọc thô sơ, không đúng kỹ thuật, khiến nước đã lọc vẫn không đảm bảo chất lượng. Thực tế, phần lớn người dân nông thôn có thói quen tự xây bể chứa nước mưa, đào giếng hay dẫn nước từ nguồn nước nhỏ lẻ về sử dụng nhằm giảm chi phí. Đối với các gia đình đấu nối sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ các trạm bơm nước thì vẫn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau. Thực hiện Chương trình mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2016-2020, hiện nay, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh đã khảo sát một số địa điểm trên địa bàn tỉnh để mở rộng mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân vùng nông thôn.

Nhu cầu về nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt quy chuẩn rất cần thiết với tất cả mọi người, nhất là người dân ở vùng nông thôn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sự cần thiết phải sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; từng bước nâng tổng số người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh; phát huy tốt vai trò, hiệu quả thiết thực của các trạm cấp nước tập trung ở vùng nông thôn.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới