Giải pháp để quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn hiệu quả

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 1.437 công trình cấp nước tập trung được đầu tư và bàn giao cho cộng đồng, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, tư nhân quản lý, vận hành, khai thác sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2000 đến nay có tới 38,5% công trình đã xuống cấp trầm trọng, nhiều công trình đã ngừng hoạt động.

Thi công công trình cấp nước sinh hoạt bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ).

 

Nguyên nhân, một phần do nhiều công trình đầu tư xây dựng đã lâu năm, phần do công tác quản lý điều hành trong sử dụng không chặt chẽ. Để khắc phục tình trạng này, tháng 3 năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27 về chính sách hỗ trợ tiếp nhận, quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh làm chủ đầu tư, giao cho UBND các xã quản lý, vận hành, khai thác phục vụ nhân dân từ năm 2011 trở về trước trên địa bàn tỉnh, có tới 164 công trình. Qua rà soát, hiện chỉ có 34% số công trình hoạt động bền vững; 41,5% số công trình hoạt động bình thường; 15,2% số công trình hoạt động kém hiệu quả; 9,2% số công trình không hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân khiến nhiều công trình cấp nước sau đầu tư không phát huy hiệu quả do: Công tác xây dựng kế hoạch đầu tư từ năm 2011 trở về trước còn dàn trải, do vậy nguồn vốn đầu tư chỉ đáp ứng 45% nhu cầu; một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế; nhiều nhà thầu thi công năng lực tài chính, kỹ thuật còn yếu nhưng vẫn tham gia xây lắp công trình; công tác quản lý sau đầu tư không được các chính quyền địa phương chú trọng đúng mức, công trình hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, từ hỏng nhỏ đến công trình không hoạt động; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều tổ quản lý, vận hành công trình cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Từ thực tiễn đó, Trung tâm NS&VSMTNT đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng dự thảo Nghị quyết số 27 về chính sách hỗ trợ tiếp nhận, quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét. Đến tháng 3/2017, Nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua và ban hành thực hiện. Theo đó, để khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia các hoạt động tiếp nhận, quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, ngân sách tỉnh đã đưa ra nhiều mức hỗ trợ như:  35% lãi suất tiền vay để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn, với mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/1 công trình; hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước và chuyên môn nghiệp vụ cho công nhân, người quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn đã được các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp ký hợp đồng lao động dài hạn. Cùng với đó, mỗi HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 7 lao động, thời gian hỗ trợ kinh phí đào tạo không quá 6 tháng; hỗ trợ tiền để trang bị lần đầu một bộ dụng cụ quản lý vận hành công trình cấp nước và một bộ kiểm tra chất lượng nước tại hiện trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn các HTX tại các huyện: Thuận Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Mường La thực hiện. Việc ban hành chính sách hỗ trợ và khuyến khích HTX tiếp nhận và quản lý, khai thác các công trình nước sạch sinh hoạt nông thôn tập trung là cần thiết, phát huy hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước tập trung nông thôn, thúc đẩy mô hình hợp tác xã tham gia dịch vụ cấp nước phát triển bền vững trong việc xã hội hóa cấp nước nông thôn.

Ông Doãn Văn Doanh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Trung tâm NS&VSMT Nông thôn tỉnh), cho biết: Nghị quyết 27 được HĐND tỉnh thông qua là rất thiết thực, khuyến khích các tổ chức tham gia tiếp nhận, quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng đang gặp không ít khó khăn, đó là: Các đơn vị kinh doanh về quản lý và cung cấp nước sạch nông thôn có tỷ lệ còn thấp (3,6%) so với công trình cộng đồng quản lý; doanh thu từ việc kinh doanh nước sạch nông thôn còn thấp.

Chính sách hỗ trợ tiếp nhận, quản lý khai thác và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh đang triển khai là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, góp phần đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh có 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới