Theo thống kê, toàn tỉnh hiện nay có 82% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tuy nhiên chỉ có 29,3% dân số nông thôn được cấp nước sạch đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của QCVN02:2011/BYT. Để từng bước nâng cao tỷ lệ số dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT đã tăng cường công tác truyền thông về cấp nước an toàn, vận động toàn dân cùng chung tay thực hiệc các giải pháp để bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước tại địa phương.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch VSMTNT tỉnh kiểm tra công trình cấp nước sinh hoạt tại huyện Vân Hồ.
Cấp nước an toàn phải đảm bảo cả quá trình thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối nước đến người dân đạt yêu cầu. Ngoài việc cung cấp đủ lượng nước cho người dân, còn phải đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đồng thời, cần tuân thủ các biện pháp kiểm soát và loại bỏ nguy cơ mất an toàn nước qua 4 khâu: nguồn nước; khu xử lý nước; đường ống phân phối, truyền tải; vòi nước hộ gia đình. Trong đó, áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện từng địa phương để bảo vệ, tránh làm ô nhiễm nguồn nước bằng cách: xây dựng tường rào bảo vệ xung quanh, không chăn thả gia súc, không phun thuốc BVTV gần nguồn nước và trồng rừng để giữ nước đầu nguồn. Trong quá trình xây dựng công trình cấp nước chú ý việc nghiên cứu chất lượng nước để sử dụng công nghệ lọc phù hợp, loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước. Tuyên truyền tới người dân việc bảo vệ đường ống dẫn nước và có cách để trữ nước an toàn, sử dụng nước tiết kiệm tại gia đình.
Quá trình thực hiện, Trung tâm đặc biệt coi trọng công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước tới cộng đồng bằng việc đăng tải thông tin về nước sạch, vệ sinh môi trường qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, áp phích, tranh cổ động, biển truyền thông mang thông tin hữu ích về cách bảo vệ nguồn nước tại các huyện, xã. Huy động người dân là những người trực tiếp hưởng lợi từ các công trình cấp nước, tự giác bảo vệ nguồn nước chung, theo dõi hoạt động của công trình để kịp thời phát hiện sự cố, báo cáo với đơn vị quản lý. Cộng đồng cùng giám sát chất lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm để có nguồn nước sạch ổn định phục vụ sinh hoạt. Tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ nước, như: trồng cây, vệ sinh khu vực đầu nguồn, bảo vệ đường ống công trình... tác động tích cực đến việc đảm bảo nguồn nước an toàn. Nghiêm cấm và có giải pháp xử lý kiên quyết với những hành động làm ảnh hưởng xấu đến công trình chung, làm ô nhiễm nguồn nước. Nâng cao năng lực quản lý, vận hành của các đơn vị cấp nước, tăng niềm tin của khách hàng sử dụng nước.
Theo quy hoạch cấp nước - vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 của tỉnh, đến cuối năm 2020, phấn đấu toàn tỉnh có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% đạt QC-02/BYT. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước trong xây dựng các công trình cấp nước cho người dân, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn, thiếu nước sạch. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng và tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo phát huy hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, UNICEF, JICA.... Cùng với đó, lựa chọn các hình thức công nghệ lọc, cấp nước phù hợp với từng vùng, nghiên cứu, áp dụng những hình thức khai thác, quản lý công trình sau đầu tư, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!