Theo Luật vừa thông qua, chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện và xã có HĐND và UBND, trừ một số đơn vị hành chính cụ thể do Quốc hội quyết định.
Sáng 19/2, Quốc hội thông qua dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Theo đó, đơn vị hành chính của Việt Nam gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã).
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập. Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính gồm có HĐND và UBND. Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.
Hiện nay chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ không tổ chức HĐND cấp phường theo các nghị quyết chính sách đặc thù của Quốc hội. Trước đó, Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường và xã thuộc đô thị trên cả nước, chỉ tổ chức UBND, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính và trực thuộc UBND cấp trên. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND sẽ do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã được rút khỏi dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.
Phải lấy ý kiến nhân dân khi điều chỉnh, nhập đơn vị hành chính
Theo luật mới, Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội.
UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, xã, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, luật sửa đổi cũng cho phép UBND cấp tỉnh quyết định số lượng Phó chủ tịch UBND từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp huyện quyết định số lượng cấp xã, bảo đảm tổng số không vượt quá tổng số tính theo khung số lượng do Chính phủ quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết luật bổ sung quy định về số Phó chủ tịch HĐND, số lượng Ban của HĐND để bảo đảm thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật và tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Chính phủ sẽ quy định cụ thể số lượng Ủy viên UBND các cấp để tạo sự chủ động trong điều chỉnh cơ cấu tổ chức của UBND các cấp, phù hợp với chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo từng giai đoạn.
Nếu Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có một phó chủ tịch. Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu không chuyên trách thì được phép có hai phó chủ tịch. HĐND cấp huyện, cấp xã một phó chủ tịch.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/3.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!