Giảm tầng nấc trung gian, bộ máy công an 3 cấp tinh, gọn, mạnh, phục vụ nhân dân tốt hơn

Bảy năm trước, năm 2018, Bộ Công an đi đầu trong tinh giản bộ máy, tạo ra chuyển biến to lớn, căn bản không chỉ trong quản lý ngành mà còn tác động sâu sắc đến toàn xã hội. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang chuyển động mạnh mẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một cách sâu rộng, đồng chí Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân chung quanh những vấn đề dư luận quan tâm, đặc biệt là chủ trương không bố trí công an cấp huyện.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thăm, động viên Công an xã Bản Phiệt và Trạm kiểm soát biên phòng xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Bộ Công an)
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thăm, động viên Công an xã Bản Phiệt và Trạm kiểm soát biên phòng xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Bộ Công an)

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng đến nay, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành triển khai Nghị quyết số 18, song, trong dự kiến tổ chức bộ máy Bộ Công an sắp tới vẫn tiếp tục có điều chỉnh mạnh mẽ. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW ở những lĩnh vực nào, có khác gì giai đoạn trước, cả về quy mô, tính chất và tiến độ?

Đồng chí Lương Tam Quang: Gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, thực hiện kết luận, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã khẩn trương tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18; báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phê duyệt chủ trương tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo hướng sắp xếp tổ chức bộ máy Công an địa phương tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tiếp nhận một số nhiệm vụ của các bộ, ngành về lực lượng Công an nhân dân để khắc phục triệt để tình trạng trùng dẫm, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, gây khó khăn, giảm hiệu quả trong tổ chức phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, lực lượng Công an nhân dân sẽ tiếp nhận 05 nhóm nhiệm vụ từ các bộ, ngành (gồm quản lý nhà nước và thực hiện bảo đảm an ninh hàng không; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp; quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy). Bộ cũng sẽ tiếp nhận các tổng công ty để xây dựng nền công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp (không tổ chức công an cấp huyện).

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này được tiến hành đồng bộ cùng với tổng kết Nghị quyết 18 của các cấp, các ngành, trong thời gian rất ngắn; song cũng giống các lần trước, đều có khối lượng công việc hết sức lớn, tiến hành với trách nhiệm rất cao, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn lực lượng với tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Phóng viên: Từ thành công và những kinh nghiệm của đợt tinh gọn, sắp xếp trước, quan điểm của Bộ trong việc không bố trí Công an cấp huyện hiện nay là gì khi chuyển từ phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” sang “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”? Dự kiến sẽ tinh giản được bao nhiêu vị trí, nhân lực? Lãnh đạo Bộ, Đảng, Nhà nước kỳ vọng gì ở kinh nghiệm, bài học rút ra của Bộ Công an nếu thực hiện thành công mô hình này trong lộ trình tiếp tục hoàn thiện luận cứ, mô hình quản trị xã hội hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả?

Đồng chí Lương Tam Quang: Quá trình tổng kết Nghị quyết số 18 cho thấy, việc tổ chức bộ máy theo 4 cấp Công an cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm tầng nấc, giảm cấp trung gian để tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp mô hình Công an 4 cấp thành 3 cấp, đối với Công an địa phương điều chỉnh phương châm “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” sang “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”; Công an cấp tỉnh giải quyết toàn diện mọi tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; Công an cấp xã được tăng cường vững mạnh, bám cơ sở, giải quyết các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở.

Khi không tổ chức công an cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động 694 công an cấp huyện và khoảng 5.916 đội thuộc công an cấp huyện. Việc sắp xếp, kiện toàn này nhằm thay đổi cơ chế vận hành, giảm tầng nấc để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ nhân dân. Tiến hành bố trí, sắp xếp lại đối với hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ theo hướng điều động, bố trí, tăng cường cho công an cấp tỉnh và công an cấp xã, trong đó ưu tiên công an cấp xã, nhất là tại các địa bàn có diện tích lớn, dân số đông, phức tạp về an ninh trật tự; địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Chủ trương của Bộ Chính trị là duy trì, bảo đảm biên chế lực lượng vũ trang trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; Bộ Công an tiếp nhận thêm nhiệm vụ từ các bộ, ngành nên không khuyến khích cán bộ, chiến sĩ nghỉ công tác trước hạn tuổi phục vụ, đồng thời, vẫn tích cực thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp phẩm chất, năng lực yếu kém.

Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Đảng ủy Công an Trung ương ngày 17/12/2024, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, trong đó có Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, giảm cấp hành chính trung gian, phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực của địa phương”, thực hiện giảm cấp Công an (Công an 4 cấp thành Công an 3 cấp), tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cung cấp kinh nghiệm thực tiễn để hệ thống chính trị tham khảo trong quá trình cải cách quản trị xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Phóng viên: Năng lực cán bộ và hiệu quả của quản trị công việc sẽ được đo lường bằng những tiêu chí, công cụ gì? Khó khăn, vướng mắc được dự báo sẽ là gì, đặc biệt trên thực tế cấp tỉnh nắm quá rộng, còn công an xã vừa mới hình thành bộ máy, vẫn “vừa chạy vừa xếp hàng” và công việc ở cơ sở quá bề bộn? Vai trò của Đề án 06, chuyển đổi số, chính phủ điện tử, cũng như công tác cải cách hành chính sắp tới tiếp tục phải đẩy mạnh ra sao đi kèm với chính sách động viên cán bộ khi người ít, việc nhiều ở nhiều quận, huyện khi chuyển giao nhiệm vụ?

Đồng chí Lương Tam Quang: Năng lực cán bộ và hiệu quả công tác được đo lường bằng chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự; sự hài lòng của nhân dân trong thực hiện các thủ tục hành chính về an ninh, trật tự. Trong đó, với mô hình tổ chức mới, an ninh quốc gia sẽ được củng cố vững chắc trên các địa bàn, lĩnh vực, giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp; tội phạm được kéo giảm bền vững; người dân được sống bình yên, hạnh phúc trong xã hội ngày càng trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh với chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng được nâng cao.

Quá trình tổng kết, đề xuất chủ trương bố trí Công an 3 cấp đã được đánh giá thấu đáo về nhiệm vụ, tính toán kỹ lưỡng điều chỉnh phân công, phân cấp bảo đảm rành mạch, đồng bộ, xuyên suốt, không để ngắt quãng công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để sót, mất nhiệm vụ. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong ngành Công an, việc triển khai mạnh mẽ Đề án số 06 theo hướng “đẩy mạnh cắt giảm, xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ “xin-cho” sang “chủ động” phục vụ người dân doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính”, thường xuyên có sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của công an cấp tỉnh, cấp bộ đối với cấp xã, cơ bản sẽ không phát sinh khó khăn, vướng mắc đáng kể.

Phóng viên: Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, quản lý dữ liệu của Công an cấp huyện cụ thể ra sao? Việc bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch tránh tiêu cực trong luân chuyển, điều động bố trí cán bộ đặt ra những vấn đề gì đi cùng cơ chế giám sát với tinh thần “tự soi, tự sửa”, “Công an nhân dân làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với trách nhiệm người đứng đầu?

Đồng chí Lương Tam Quang: Cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện của Công an cấp huyện trước đây tiếp tục được quản lý chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước và Bộ Công an; Bộ đã có phương án điều tiết bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và định hướng bố trí lực lượng tại địa bàn.

Khi không tổ chức công an cấp huyện và tiếp nhận cán bộ từ các bộ, ngành, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất chủ trương, định hướng nguyên tắc, phương án làm cơ sở để công an các đơn vị, địa phương xây dựng phương án cụ thể và tổ chức thực hiện bảo đảm tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; công khai, minh bạch, khách quan. Quan điểm là đánh giá đúng cán bộ theo quy định và yêu cầu công tác cụ thể; nghiêm cấm lợi dụng thực hiện chủ trương để tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa sai phạm.

Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Công an nhân dân đã thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong toàn lực lượng. Tuyệt đại bộ phận cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, đồng tình ủng hộ chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ.

Phóng viên: Công tác phối hợp liên ngành nội chính (tòa án, viện kiểm sát), công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp, tới đây phải giải quyết những vấn đề gì khi không tổ chức công an cấp huyện? Lộ trình sửa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật như sẽ như thế nào; việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của một số bộ ngành khác, thí dụ như mảng lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, hay doanh nghiệp Mobifone từ Bộ Thông tin và Truyền thông về… sẽ có những thay đổi gì thực chất để không làm phình bộ máy ở Bộ Công an sau khi tinh giản ở bộ, ngành khác, thưa Bộ trưởng?

Đồng chí Lương Tam Quang: Bộ Công an đã phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức công an cấp huyện. Trong đó, đã giải quyết toàn diện các vấn đề trong quan hệ phối hợp về công tác điều tra, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân ở địa phương.

Đồng thời Bộ đã chủ động, khẩn trương rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và có phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ về pháp luật, không tạo khoảng trống pháp lý làm gián đoạn hoạt động bình thường của lực lượng Công an cũng như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sắp xếp. Trước mắt, sẽ áp dụng theo Nghị quyết của Quốc hội xử lý nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; tiếp theo sẽ chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành khác, thực chất là tạo sự gắn kết, liên thông, khắc phục tình trạng chia cắt, một việc do nhiều cơ quan đảm nhiệm trước đây, giảm các cơ chế phối hợp (đơn cử mảng lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp trước đây lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp thực hiện), nâng cao chất lượng công tác, hiệu quả phục vụ nhân dân.

Phóng viên: Dư luận rất quan tâm việc sau khi không bố trí công an cấp huyện nữa thì chức năng, nhiệm vụ nào của công an cấp huyện sẽ chuyển về tỉnh; chức năng, nhiệm vụ nào sẽ chuyển xuống xã để dân biết việc gì phải đi đâu giải quyết, nhất là lĩnh vực hành chính và các vụ việc liên quan khởi tố, điều tra, giam giữ, xét xử, thi hành án...? Theo Bộ trưởng, kỷ nguyên chuyển đổi số trong tổ chức bộ máy ngành công an khi không tổ chức công an cấp huyện sẽ gắn chặt với triết lý quản lý xã hội, xây dựng bộ máy gần dân, phục vụ nhân dân hiệu quả tối đa ra sao?

Đồng chí Lương Tam Quang: Bộ Công an đã có phương án cụ thể đối với các chức năng, nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Bộ sẽ thông báo công khai, rộng rãi, chi tiết, cụ thể đến người dân trước thời điểm triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới, tuyệt đối không để ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm tạo thuận lợi cao nhất để người dân giải quyết các vấn đề có liên quan. Tổ chức bộ máy ngành công an khi không tổ chức công an cấp huyện sẽ tạo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt nhất cho nhân dân, tạo thuận lợi tối đa cho phát triển đất nước, bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự, củng cố môi trường an toàn, lành mạnh, góp phần tạo ra những đột phá mới của đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới