Thành phố Sơn La - vùng đất sử thi! Mỗi cánh rừng, mỗi ngọn núi, từng quả đồi hay dòng suối... đều mang những cái tên, những câu chuyện đầy huyền thoại, hấp dẫn đến lạ kỳ và đã đi vào chính sử. Tất thảy, minh chứng cho một thị xã xưa, thành phố Sơn La nay với bề dày lịch sử, lan tỏa trong quá trình hội nhập và phát triển.
Từ những năm 1440, vua Lê Thái Tông hai lần chỉ huy quân sĩ lên miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch, trên đường về, nhà vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké). Cảnh đẹp, sinh tình, nhà vua đã để lại bài thơ trên vách đá cùng lời tựa: “Quế Lâm ngự chế” để răn kẻ tạo phản: Thế gian đã có anh hùng chúa/Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần.../Yên được dân lành nhơ nhớp hết/Dân xa được hưởng tấm lòng nhân.
Đền thờ vua Lê Thái Tông.
Tiếp dòng lịch sử, năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Tây Bắc, đến tháng 3-1888, sau khi chiếm được Tây Bắc, thực dân Pháp lập trung khu Vạn Bú - Nghĩa Lộ, đặt trụ sở tại bản Pá Giạng, tổng Hiếu Trai. Ngày 20/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đưa địa hạt Sơn La vào địa bàn của Đạo quan binh thứ Tư, thủ phủ đặt tại Sơn La. Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ tiểu quân khu Vạn Bú và Lai Châu nhập thành tỉnh Vạn Bú. Việc chuyển Vạn Bú sang chế độ dân sự chính là thời điểm ra đời của tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ đặt tại bản Pá Giạng, xã Ít Ong, châu Mường La. Ngày 23/8/1904, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển tỉnh lỵ Vạn Bú về Chiềng Lề (thuộc châu Mường La) và đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Năm 1908 chính quyền thuộc địa Pháp cho xây dựng Tòa sứ, nhà Giám binh Trại lính, các công sở, nhà tù trên đồi Khau Cả. Chiềng Lề trở thành trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Sơn La. Từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược đất Sơn La (1888), nhân dân các dân tộc Thị xã đã tích cực hưởng ứng tham gia nghĩa quân Thập Châu chống Pháp quyết liệt. Pháo đài Dua Cá, khu ruộng “Nà tuống Xam Kha” còn giữ lại như dấu tích kiên cường về tinh thần chống giặc ngoại xâm.
Di tích đặc biệt Quốc gia nhà tù Sơn La.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống kiên trung bất khuất của nhân dân các dân tộc Thị xã được hun đúc, phát huy, đặc biệt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Từ Chi bộ Nhà tù Sơn La, ánh sáng cách mạng tỏa sáng. Năm 1943, Đoàn thanh niên Thái Cứu quốc vùng Thị xã được thành lập lấy tên là “Mú nón chất mương” đã chỉ đạo, tổ chức phát động nông dân vùng Thị xã đấu tranh đòi quyền lợi, vạch mặt bọn tay sai.
Chiến công đầu tiên của Đoàn Thanh niên Thái Cứu Quốc Thị xã là thành tích của Lò Văn Giá đã dũng cảm đưa đường cho 4 cán bộ cốt cán của Đảng gồm đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu đang bị giam cầm vượt ngục ra với phong trào, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc. Cuộc vượt ngục thành công, Lò Văn Giá bị địch bắt và quân địch đã giết hại anh một cách hèn hạ. Chiến công của anh Lò Văn Giá là chiến công đầu tiên đặc biệt xuất sắc của những người dân tộc Thái yêu nước ở Sơn La, trở thành niềm cổ vũ to lớn của phong trào cách mạng địa phương.
Cuối năm 1943, Hội người Thái cứu quốc được thành lập. Đầu năm 1945 khí thế cách mạng sôi sục khắp vùng thị xã. Các đội tự vệ vũ trang, hội cứu quốc được thành lập phát triển nhanh chóng, rộng khắp. Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội thành công. Ngày 26/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Sơn La thắng lợi, đánh dấu một mốc son lịch sử trong cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân các dân tộc thị xã Sơn La.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân các dân tộc thị xã Sơn La anh dũng cùng nhân dân toàn tỉnh và cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ngoài các đơn vị đại đội, chi đội vệ quốc quân được trung ương cử lên, thị xã Sơn La liên tục mở các lớp tập huấn, huấn luyện quân sự và tổ chức ra các tiểu đội, trung đội dân quân tự vệ. Nhân dân các dân tộc Thị xã phát huy truyền thống quật khởi, bất khuất, anh dũng cản phá những đợt tiến công của giặc. Hàng chục trận chiến đấu kiên cường đã nổ ra. Điển hình là trận một tiểu đội dân quân tự vệ tập kích đánh úp một toán quân địch ở bản Lụa - Hua La buộc địch phải rút chạy. Ở tỉnh lỵ, lực lượng học viên Trường Quân chính cũng chống trả quyết liệt. Đại đội 2 - D71 chiến đấu quyết liệt với địch giữa cánh đồng bản Tông (Chiềng Xôm) diệt nhiều địch.
Di tích Cây đa bản Hẹo.
Những chiến công còn được ghi dấu ấn đậm nét của Thị xã Sơn La, như: Thời kỳ từ 1946 đến 1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thị xã Sơn La đã anh dũng tiến hành cuộc đấu tranh khôi phục cơ sở, xây dựng căn cứ địa phát động chiến tranh nhân dân hình thành tuyến phòng thủ suốt từ bản Lầm (Mường Chanh - huyện Mai Sơn) đến bản Pảng, bản Nam, bản Bôm Nam (Chiềng Đen - Thị xã). Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra, điển hình như trận Bó Mười, trận phục kích ở hang Kọng...
Trong suốt chiến dịch Tây Bắc, các đội vũ trang của thị xã tham gia chặn địch rút lui, thu phục tàn binh. Đồng bào vùng Thị xã đã đóng góp 100 tấn gạo, 5 tấn thịt, 789 dân công. Trong thời gian bộ đội ta bao vây tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản, thị xã Sơn La là điểm đánh phá quyết liệt của địch, bộ đội và nhân dân đã anh dũng chiến đấu chống càn, đánh trả máy bay bắn phá, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh giặc, giữ vững an ninh, bảo vệ vững chắc Thị xã.
Thành tích xuất sắc của Thị xã đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tư lệnh Quân khu II và Khu ủy Tây Bắc đánh giá là đã góp phần đập tan kế hoạch gây phỉ, đập tan âm mưu “Xưng vua”, xây dựng xứ “Thái tự trị” của Pháp ở Tây Bắc. Quân và dân thị xã Sơn La đã phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 2.400 tên phỉ, diệt và bắt 168 tên biệt kích, góp phần làm thất bại âm mưu thâm độc của địch, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, hậu phương lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ và Bắc Lào.
Nghĩa trang liệt sĩ nhà ngục Sơn La.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, thị xã Sơn La đã làm tròn nhiệm vụ và là hậu phương lớn của tuyền tuyến, gánh vác trọng trách nặng nề, quan trọng là địa bàn huyết mạch giao thông nối liền căn cứ kháng chiến Việt Bắc với Tây Bắc, đồng thời là căn cứ tập kết bộ đội, súng đạn, lương thực cho tiền tuyến, quyết định sự thành bại của chiến dịch. Nhân dân các dân tộc vùng Thị xã đã làm hết sức mình, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. Nhân dân Thị xã đã đóng góp hàng ngàn ngày công góp phần cùng gần 20 ngàn dân công của tỉnh sửa chữa, tu bổ 450 km đường phục vụ chiến dịch bất chấp địch bắn phá ác liệt các trọng điểm như đèo Sơn La, đèo Chiềng Pấc, chiến thắng mọi thử thách, mở đường thắng lợi.
Nhân dân các vùng Thị xã đã gửi ra mặt trận Điện Biên Phủ 1.000 tấn gạo, 100 tấn thịt các loại và nhiều quần áo, thuốc men, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, được Trung ương, Quân khu khen ngợi. Là địa bàn được chọn xây dựng các tổng kho dự trữ cho chiến dịch Điện Biên và chiến tranh sau này, đồng thời, là địa bàn trung chuyển vũ khí, phương tiện cho chiến dịch, thị xã Sơn La bị không quân địch bắn phá dữ dội, nhất là tuyến đường giao thông huyết mạch, nhưng vẫn không ngăn được bước tiến của hàng ngàn, hàng vạn dân công chuyển hàng ra tiền tuyến góp phần vào thắng lợi Điện Biên Phủ vĩ đại. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, thị xã Sơn La đã có hơn 1.000 người tham gia dân quân du kích, bộ đội địa phương và các chiến trường. Thị xã Sơn La ghi nhớ công ơn của 115 liệt sĩ, 76 thương binh đã hy sinh xương máu trên quê hương và trặt trận. Ghi công thành tích xuất sắc của nhân dân vùng Thị xã Sơn La trong kháng chiến chống Pháp, Nhà nước đã tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp cho 480 người; truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Lò Văn Giá.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Sơn La sau ngày thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại, nhân dân các dân tộc Thị xã đoàn kết, đẩy mạnh hoạt động trên nhiều mặt để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa khôi phục, cải tạo kinh tế và đạt thành tựu quan trọng. Xây dựng lực lượng vũ trang Thị xã vững mạnh luôn được coi trọng, vì vậy đã góp phần bẻ gãy mọi âm mưu gây phỉ, gián điệp biệt kích của địch và âm mưu gây bạo loạn, bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện cho tiền tuyến. Tháng 8/1964 đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trong cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt đó, Tỉnh ủy Sơn La là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Trong cuộc chiến tranh chống phá hoại đầy khốc liệt đó, nhân dân Thị xã đã biến căm thù thành hành động cách mạng, các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ trực chiến Thị xã, bám sát trận địa, nhất loạt đánh trả, góp phần tiêu diệt sinh lực địch và làm thất bại âm mưu leo thang, mở rộng chiến tranh xâm lược miền Bắc của đế quốc Mỹ. Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, lập chiến công xuất sắc: Dân quân xã Chiềng Cơi, Chiềng Sinh, Chiềng Ngần phối hợp với các lực lượng bắn rơi 2 máy bay F105, bắt sống 2 giặc lái; Tổ dân quân của Lò Văn Sáng - bản Dửn - Chiềng Ngần, bằng súng bộ binh bắn rơi “Thần sấm con ma”. Dân quân xã Hua La dũng cảm bắt sống “Giặc nhà trời”.
Suốt những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Thị xã đã động viên được 40% nam, nữ thanh niên phục vụ quân đội làm nhiệm vụ khắp mọi miền đất nước và nước bạn Lào. Có gia đình có 3-4 con ở trong quân đội, nhiều đồng chí đã trở thành Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, Chiến sỹ quyết thắng... tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Cà Văn Khum, Anh hùng Đèo Văn Khổ. Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ được đặc biệt coi trọng. Đến năm 1966, lực lượng vũ trang quần chúng được tăng cường về mọi mặt, số lượng tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh, chiếm 14,2% dân số, được biên chế làm 9 trung đội, 11 tiểu đội, thường xuyên có 3 tổ trực chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thị xã vừa anh dũng chiến đấu, vừa cần cù trong lao động sản xuất, chi viên cho miền Nam. Quân và dân Thị xã đã bắn rơi 16 máy bay Mỹ, bắt sống 5 giặc lái, cử hơn 3 ngàn con em lên đường nhập ngũ, đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn tỉnh làm thất bại âm mưu gây rối vùng biên giới phía tây của Tổ quốc. Thị xã Sơn La có hơn 100 liệt sỹ, 294 thương binh, 77 bệnh binh đã hiến dâng xương máu của mình cho kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. 1.500 chiến sỹ tình nguyện giúp nước bạn Lào được tặng thưởng Huân chương Lào các loại và 400 Huân chương Chiến công của Nhà nước Việt Nam. Một Huân chương Chiến công hạng ba cho xã Chiềng Cơi.
Đất nước thống nhất, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thị xã tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, cần cù, dũng cảm trong lao động dựng xây quê hương và đạt những thành tựu vượt bậc. Thực hiện nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, du lịch dịch vụ - nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân được quan tâm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể chính trị được nâng cao một bước. Đặc biệt trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, Thị xã Sơn La đã có những thành tích nổi bật: bình quân mỗi năm có từ 100-150 thanh niên nhập ngũ bảo đảm chất lượng và thời gian quy định. Toàn thị xã có 90 cơ sở dân quân tự vệ trực chiến, thường xuyên luyện tập phương án tác chiến. Thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc.
Đồng chí Nguyễn Xuân Viêm, Phó Bí thư tỉnh ủy gắn Huân chương Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, nhân dân các dân tộc thị xã, năm 1998.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Thị xã trong cuộc kháng chiến trường kỳ vì nền độc lập tự do và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, ngày 22/8/1998, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho nhân dân các dân tộc Thị xã Sơn La.
Toàn cảnh Quảng trường Tây Bắc gắn với ao cá Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
Một góc Thành phố Sơn La hôm nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!