Trang phục là một trong những nét đặc trưng thể hiện rõ bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung, cũng như các dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là các khu vực thành thị không còn được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày. Trước nguy cơ mai một, thành phố Sơn La đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Cán bộ, công chức UBND Thành phố hưởng ứng mặc trang phục dân tộc.
Thành phố Sơn La hiện có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Cụ thể hóa Đề án số 04 ngày 20/8/2020 của Thành ủy Sơn La về “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025”, tháng 3/2021, UBND Thành phố ban hành kế hoạch phát động mặc trang phục dân tộc đến trường đối với học sinh và đến công sở đối với cán bộ, công chức, viên chức vào ngày thứ 2 hằng tuần và vào các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương.
Ngay từ ngày đầu phát động đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo công chức, viên chức, người lao động. Các trang phục dân tộc xuất hiện với đủ màu sắc, từ công sở đến các buổi hội họp, sinh hoạt... Đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh tà áo dài duyên dáng thướt tha, đến những bộ cóm rực rỡ của dân tộc Thái, hay đơn giản nhưng thanh thoát của bộ váy, áo pắn của dân tộc Mường...
Trong trang phục áo chàm đen của dân tộc Thái, anh Tòng Văn Sinh, cán bộ Phòng Tư pháp Thành phố, vui vẻ nói: Áo chàm của nam giới đồng bào dân tộc Thái được thiết kế đơn giản, thuận tiện trong công việc. Trước đây, áo chàm đen là trang phục thường ngày của cha, ông, hiện nay thế hệ trẻ thường ít mặc. Phong trào mặc trang phục dân tộc giúp những thanh niên trẻ tuổi như chúng tôi thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống của dân tộc mình và nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng chung cảm xúc, chị Vũ Thị Hằng, chuyên viên Văn phòng UBND Thành phố, chia sẻ: Không chỉ mình tôi mà các chị em đi làm khi mặc trên mình tà áo dài, cảm thấy duyên dáng hơn, không khí làm việc vui tươi, phấn chấn, công việc cũng đạt hiệu quả hơn.
Việc mặc trang phục dân tộc không còn là quy định mà đang trở thành niềm yêu thích, tự hào của mỗi cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên khi được khoác lên mình những nét đẹp của văn hóa truyền thống, lan tỏa trong các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lù Thị Đoàn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố, cho biết: Việc triển khai mặc trang phục dân tộc tại cơ quan, công sở và các trường học đã tạo không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống được sử dụng rộng rãi hằng ngày. Hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của trang phục các dân tộc trong đời sống, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng. Với những hiệu ứng tích cực từ việc phát động mặc trang phục dân tộc đã thực sự góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của các dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!