Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, từng bước tiếp cận chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Sơn La kỳ vọng tạo bước đột phá trong việc giảm sức lao động, hạn chế thất thoát, thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh, đảm bảo an toàn môi trường, kiểm soát và tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Những mô hình tiên phong
Với hơn 1,5 ha vườn ươm cây giống, 10 ha trồng rau sạch và liên kết trồng 60 ha rau với các hộ dân trên địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, trung bình mỗi năm, Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu cung cấp trên 10 triệu cây giống và hàng nghìn tấn rau, củ ra thị trường. Ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty chia sẻ: Tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi nhận thấy được sức mạnh của công nghệ số và luôn chủ động ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, như máy gieo hạt, máy nghiền đất, máy đóng bầu, nhà màng, nhà lưới để giải phóng sức lao động, chúng tôi còn đầu tư hệ thống tưới tự động có gắn thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo rau được phát triển ổn định nhất. Trong quá trình sản xuất, đội ngũ kỹ thuật giám sát, ghi nhật ký điện tử hàng ngày. Trước khi sản phẩm được xuất bán, sẽ lấy mẫu để xét nghiệm, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Tập huấn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử và Livestream bán hàng trực tuyến
Bên cạnh tự động hóa quy trình sản xuất, khâu chào hàng, tiêu thụ sản phẩm cũng số hóa để theo dõi và giao dịch. Khi rau đến kỳ thu hoạch, ngoài gửi sản phẩm mẫu về chào hàng, những hình ảnh của sản phẩm cũng sẽ được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Bên mua chỉ cần check mã vạch, các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, loại giống cây, thời gian gieo giống và thu hoạch, địa điểm, người trồng sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ vậy, sản phẩm của Công ty được tiêu thụ ổn định tại các hệ thống siêu thị lớn, như: BigC, Aeon, Lotte, Vinmart… và các bếp ăn trường học, bệnh viện trên địa bàn. Ngoài ra, mỗi năm Công ty xuất khẩu 300 - 500 tấn cải thảo, hành tây sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện, Công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 32 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài Công ty cổ phần Greenfarm thì nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại vào truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thương mại điện tử; chào bán sản phẩm thông qua điện thoại thông minh; công nghệ điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà lưới, nhà màng… Trong đó phải kể đến HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn) áp dụng hệ thống tưới thông minh, camera giám sát để theo dõi sự sinh trưởng của cây; Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát (Thành phố); Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy (Mai Sơn) quản lý đàn vật nuôi bằng camera, hệ thống cho ăn tự động; nhiều HTX, doanh nghiệp và nông dân sử dụng tem nhãn QR để quản lý truy xuất nguồn gốc...
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng phần mềm sử dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) và ảnh viễn thám để phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong quá trình hoạt động, thiết bị viễn thám sẽ theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn dựa vào nguồn ảnh vệ tinh miễn phí, lọc ra các điểm nghi cháy tự động, loại bỏ các điểm nghi cháy ở các vị trí không có rừng. Tại điểm nghi cháy, thiết bị tự động đối chiếu với dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng, đồng thời xác định tọa độ, địa chỉ gửi đến số điện thoại của kiểm lâm và chính quyền địa phương đã được lập trình sẵn. Anh Nguyễn Trọng Nam, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Phần mềm theo dõi diễn biến rừng trên máy tính, điện thoại thông minh được triển khai tại 12/12 huyện, thành phố từ năm 2019. Với ứng dụng này, mọi thông tin, dữ liệu về rừng sẽ được số hóa vào phần mềm thông qua Internet và được kết nối với điện thoại di động của lực lượng kiểm lâm. Bằng cách sử dụng ảnh vệ tinh, trung bình 1 tuần sẽ có 1 phiên ảnh mới đối chiếu sự thay đổi về diện tích rừng.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, tỉnh ta đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu), cho biết: Sau khi được hỗ trợ, hướng dẫn quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Viettel post, HTX đã đưa các sản phẩm mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo, hồng sấy, chuối sấy lên sàn thương mại điện tử. Khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết thông tin về xuất xứ, quy trình chế biến sản phẩm, chúng tôi cũng rất yên tâm không sợ bị làm giả, làm nhái.
Người dân quét mã QR-Code sản phẩm nông sản.
Tạo tiền đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; ứng dụng công nghệ vào quản lý bảo vệ rừng; cấp mã số vùng trồng... Từ xu hướng này đã giúp những doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 18.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương tự; 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; có 181 mã số vùng trồng, diện tích 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; duy trì, phát triển 197 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Bên cạnh đó, đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu mực nước hồ chứa thủy điện, bản đồ cảnh báo sương muối, thử nghiệm máy bay không người lái trong bón phân cho cây trồng...
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thông tin: Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ nông nghiệp sạch chiếm 20-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; phấn đấu giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn 3 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Ngành Nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi số trong sản xuất nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống phần mềm số hóa quản lý dữ liệu vùng trồng, dự báo sản lượng các sản phẩm chủ lực gắn với bản đồ số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La với sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo đột phá nông nghiệp thông minh 4.0. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất.
Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sơn La là tỉnh có lợi thế phát triển về nông nghiệp, đây là cơ hội lớn để ngành nông nghiệp tỉnh ta bứt phá đi lên, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19. Những giải pháp cụ thể, thực hiện bài bản, khoa học, tỉnh Sơn La phấn đấu tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong thời gian tới, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!