Sốp Cộp phát triển vùng cây ăn quả

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Sốp Cộp đã triển khai các chính sách hỗ trợ nhân dân cải tạo vườn tạp, tập trung mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh, gắn với áp dụng sản xuất an toàn, từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Mô hình cây ăn quả của nông dân Vì Văn Thảo, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp).

Huyện Sốp Cộp đã rà soát quy hoạch cụ thể địa bàn trồng cây ăn quả gắn với lựa chọn đầu tư vào địa điểm thuận lợi và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, nước tưới đối với từng vùng sinh thái, như: Vùng phát triển cây ăn quả có múi (cam, quýt) tại xã Nậm Lạnh, Mường Và; nhãn, vùng trồng xoài tại xã Mường Lạn, Púng Bánh, Dồm Cang, Mường Lèo; cây chanh leo tại xã Dồm Cang, Mường Và, Nậm Lạnh; còn cây sơn tra nhân rộng ở các bản vùng cao trên địa bàn các xã.

Đồng thời, huyện đã tổ chức các đợt cho các hộ đi học tập kinh nghiệm về phát triển cây ăn quả tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, huyện Cao Phong (Hòa Bình) và một số mô hình trồng dứa tại tỉnh Ninh Bình; mở các lớp tập huấn, triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cho nông dân... Qua đó, việc canh tác cây ăn quả của người dân trên địa bàn huyện Sốp Cộp những năm gần đây đạt hiệu quả kinh tế cao, đã phát triển đa dạng hóa nhiều loại cây ăn quả.

Theo thông tin từ ông Lò Văn Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Đến thời điểm này, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Sốp Sốp đã tăng lên 1.935 ha, sản lượng quả các loại đạt 1.800 tấn/năm. Một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP, như: Cam, nhãn, xoài, bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường và có thể phát triển thành vùng hàng hóa tập trung.

Thăm gia đình anh Lò Văn Thuấn, bản Nà Mòn, là một trong những gia đình trẻ làm kinh tế giỏi của xã Mường Và. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, gia đình anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng gần 300 cây cam, quýt giống bản địa. Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đến nay mỗi vụ cam, gia đình anh thu gần 200 triệu đồng.

Anh Lò Văn Thuấn chia sẻ: Ban đầu khi chuyển sang trồng cây ăn quả tôi chỉ dám thử nghiệm trồng hơn 50 gốc. Sau một thời gian, tôi thấy cây trồng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này, sản phẩm đạt chất lượng cao. Với những chính sách ưu đãi về vay vốn phát triển kinh tế, cùng sự hỗ trợ của huyện về kiến thức sản xuất, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất canh tác sang trồng cam, quýt. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định và nâng lên.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Song song với phát triển cây ăn quả, huyện đã tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 24 HTX nông nghiệp, với 185 thành viên; một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất và chế biến, như: HTX nông nghiệp Nậm Ban, HTX Quang Vinh, HTX nông nghiệp Duy Lợi. Tuy nhiên, Sốp Cộp vẫn chưa có các cơ sở sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm từ cây ăn quả, sản phẩm chủ yếu do người dân tự tiêu thụ tại chỗ và một phần được các thương lái ngoài huyện vào mua.

Để khai thác lợi thế và phát huy tiềm năng phát triển cây ăn quả, huyện Sốp Cộp đang chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết chặt chẽ “4 nhà” trong việc hỗ trợ phát triển cây ăn quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng và  quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho người dân.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới