Sốp Cộp chú trọng thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Sốp Cộp đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội,

anh Lò Văn Sơn (bản Phổng, xã Nậm Lạnh, Sốp Cộp) đầu tư mô hình trồng cây ăn quả có múi.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Huyện ủy, UBND huyện Sốp Cộp đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các xã chú trọng tuyên truyền tới hội viên, đoàn viên và người dân về chính sách tín dụng ưu đãi; hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục vay vốn; quản lý nguồn vốn vay, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; củng cố, kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, bổ sung thành viên là chủ tịch UBND các xã (trước đây chỉ có sự tham gia của thành viên cấp huyện)... Nhờ vậy, việc quản lý, công tác kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện thường xuyên; vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn được nâng cao. Đến nay, tổng số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện là 19 người, trong đó 11 người là lãnh đạo, quản lý cấp huyện và 8 người là chủ tịch UBND các xã.

Ông Trần Công Lực, Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp, nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các đoàn thể xã thành lập các tổ vay vốn tiết kiệm; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Định kỳ, đột xuất tiến hành kiểm tra, giám sát, nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức nhận ủy thác. Ngoài ra hằng năm, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có 440 hộ vay vốn, với tổng dư nợ trên 32 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, thu nhập bình quân của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,6%. Năm 2017, xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, từ ngân sách địa phương ủy thác sang Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hơn 1 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Riêng năm 2019, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện được giao chỉ tiêu nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang 500 triệu đồng, đến nay, đơn vị đã hoàn thành giải ngân, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở địa phương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đã từng bước được nâng cao; sự phối hợp giữa chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt, việc đưa chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị giúp Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện trực tiếp tham gia, góp ý kiến cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, gia tăng hiệu quả nguồn vốn và tăng cường công tác thu hồi vốn. Hơn nữa, nguồn vốn được bổ sung, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng. Tính đến hết tháng 6/2019, toàn huyện có 6.670 hộ vay vốn, tổng dư nợ trên 257 tỷ đồng, bình quân một hộ dư nợ 38 triệu đồng.

Gia đình anh Lò Văn Sơn, bản Phổng (xã Nậm Lạnh) là một trong số những gia đình có chuyển biến tích cực sau khi được vay nguồn vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Anh Sơn chia sẻ: Năm 2015, được Hội Nông dân xã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, tôi cải tạo hơn 2.000 m² đất, trồng 700 gốc cam, quýt địa phương... 2 năm qua, vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch trên 8 tấn quả, thu nhập trên 130 triệu đồng/năm. Có thêm nguồn lực, gia đình sẽ mở rộng thêm 1.000 m² ao cá và 5.000 m² đất trồng cây có múi.

Nhờ thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, các hộ nghèo trên địa bàn huyện Sốp Cộp được vay vốn ưu đãi đã đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 38% (giảm 5,6% so với năm 2018).

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới