Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Việt Nam, một số nước châu Á và vùng lãnh thổ tưng bừng đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với lượng khách du lịch tăng cao; Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donal Trump gây nhiều phản ứng trái chiều; Chiến sự tại miền Đông Ukraine tái diễn căng thẳng; Thượng viện Mỹ phê chuẩn Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... và một số tin tức khác là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Khách du lịch quốc tế đến thăm Việt Nam cập cảng Đà Nẵng

trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dịp Têt Đinh Dậu tăng mạnh

Tuần qua, các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc...và một số vùng lãnh thổ đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Ở Việt Nam, Tết Đinh Dậu kéo dài 7 ngày, thời tiết tốt là điều kiện khá thuận lợi để ngành du lịch “đón khách quốc tế đến, đưa khách nội địa đi” ngay trong những ngày đầu năm mới.

Theo thông tin từ Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist: Trong hai tuần “ra quân” chào xuân mới Đinh Dậu 2017, từ ngày 23 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 10 Tết Đinh Dậu, Công ty phục vụ hơn 50.200 du khách trong nước và quốc tế ; tăng trưởng 20% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Cũng trong dịp Tết, Lữ hành Saigontourist phục vụ 33.000 lượt khách quốc tế đa quốc tịch, trong đó đông nhất là Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ... Trong đó, chùm tour “Tây ăn Tết ta” triển khai từ năm 2003 đến nay của hãng tiếp tục thu hút hơn 600 khách quốc tế khám phá không khí đón Tết độc đáo ở vùng sông nước miền Tây (từ ngày 23-30 Tết) và trải nghiệm sinh hoạt đặc trưng trong ngày Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh (từ mùng 1-4 Tết).

Saigontourist có thế mạnh về du lịch tàu biển, nhất là đón khách quốc tế, dịp này Saigontourist đón 14 chuyến tàu đến Việt Nam với tổng cộng 23.400 du khách và thuyền viên. Đặc biệt, ngay trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Saigontourist phối hợp với Sở Du lịch Khánh Hòa đón tàu biển Superstar Virgo với 2.500 du khách quốc tế “xông đất” thành phố biển Nha Trang xinh đẹp và theo các hành trình đón Tết nguyên đán đặc trưng của miền Trung. Cùng ngày tại Đà Nẵng, Saigontourist đón và phục vụ 900 khách cùng thuyền viên tàu Taishan đón Tết Việt , tham gia các hành trình khám phá Đà Nẵng, Hội An, Huế…

Mùa du lịch Tết Đinh Dậu 2017, Vietravel đã đón và phục vụ 30.000 lượt khách du xuân. Hãng này giới thiệu khoảng 800 tour hấp dẫn với nhiều đường tour mới lạ. Ngay từ ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu, Vietravel đã xuất hành đầu năm mới, phục vụ hàng ngàn du khách. Ngoài các sản phẩm du lịch trong và ngoài nước và hành trình di sản miền Trung đang được đông đảo du khách lựa chọn, Vietravel còn ra mắt chùm tour liên tuyến Phú Yên – Quy Nhơn, đưa du khách đến khám phá những vùng đất còn hoang sơ, hấp dẫn trong dải du lịch biển Nam Trung Bộ...

Đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn một triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, lượng khách đường hàng không tăng 26,6%, khách đường bộ tăng 15,5%. Những thị trường khách hàng đầu đến nước ta vẫn là: Trung Quốc (tăng 67,9%), Hàn Quốc (tăng 15,1%), Mỹ (tăng 17,2%), Nga (tăng 36,5%). Riêng với thị trường khách Tây Âu, do tác động của việc miễn thị thực, cho nên lượng khách đến từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy đều tăng từ 10% đến 27%. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng 28,5%.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây phản ứng trái chiều

Ngày 27/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành chính nhằm siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với một số đối tượng người Syria. Ngoài ra, sắc lệnh mới cũng ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somali, Libya, Sudan và Yemen, kể cả những người có "thẻ xanh", tức là thẻ cư trú dài hạn tại Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố biện pháp mới này không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ hướng tới mục đích chống khủng bố vì sự an toàn của nước Mỹ. Ông cũng tái khẳng định rằng, hơn 40 quốc gia Hồi giáo không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông.

Tuy nhiên, ngay sau khi sắc lệnh hành pháp về vấn đề nhập cư mà ông Trump vừa đưa ra đã làm dấy lên một loạt tranh cãi pháp lý, làn sóng chỉ trích tại Quốc hội Mỹ và làm lan rộng các cuộc biểu tình phản đối.

Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng, thành phố New York, các thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia và Seattle… để phản đối lệnh cấm của Tổng thống D.Trump vì cho rằng nó đã gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ.

Ngoài ra, làn sóng phản đối cũng diễn ra ở nhiều quốc gia Hồi giáo như Iraq, Iran, Sudan…, thậm chí các nước đồng minh của Mỹ như Đức, Anh…cũng lên tiếng chỉ trích sắc lệnh của tổng thống Trump.

Các nhà phân tích cho rằng, sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump đang gây một bầu không khí căng thẳng trong nước và quốc tế, và đây chắc chắn là những dấu hiệu không thuận lợi đối với một nhà lãnh đạo đang trong những ngày đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước.

Bùng phát căng thẳng tại miền Đông Ukraine

Ngày 30/1/2017, xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng dân quân Donbass tại đường giới tuyến ở Donbass, miền Đông Ukraine, đã gây thiệt hại cho cả hai bên. Theo thông tin tình báo từ cả hai phía, chỉ trong vòng mấy ngày qua, 93 binh sĩ của quân đội Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Phía CHND tự xưng Donetsk cũng chịu tổn thất nặng về người, thậm chí cả dân thường, nhiều nhà cửa và công trình bị phá hủy. Chính quyền Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và không loại trừ khả năng phải sơ tán người dân.

Trước nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực giới tuyến ở Donbass, ngày 1/2/2017, Nhóm Tiếp xúc ba bên về giải quyết tình hình tại Donbass, đã họp tại thủ đô Minsk của Belarus. Đây là cuộc họp trực tuyến của Nhóm Tiếp xúc ba bên nhằm làm giảm tình hình bạo lực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng với những bất đồng còn tồn tại thì phải mất nhiều năm nữa mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ở quốc gia này, đồng thời cũng cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng nối lại hợp tác giữa Nga và Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk có hiệu lực ở Donbass từ năm 2015, nhưng nhiều nội dung và điều khoản của thỏa thuận gồm 13 điểm này từ đó cho tới nay vẫn chưa được thực thi đầy đủ. Trong đó mấu chốt là việc chính quyền Kiev gần như không thúc đẩy cải cách Hiến pháp nhằm công nhận quy chế đặc biệt cho vùng Donbass.

Cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua ở miền Đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người, trong đó hơn một nửa là dân thường.

Cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn dầu mỏ Exxol Mobil, Rex Tillerson được phê chuẩn làm Ngoại trưởng Mỹ

Ngày 1/2/2017, với 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Tillerson làm Ngoại trưởng thứ 69 của nước Mỹ. Lý giải việc bổ nhiệm ông Tillerson, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, ông đánh giá cao ông Tillerson vì khả năng quản lý một doanh nghiệp toàn cầu – một điều quan trọng để vận hành Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, theo ông Trump, các mối quan hệ của ông Tillerson với các lãnh đạo trên thế giới là “không ai có thể sánh bằng”.

Tuy được đánh giá là người có kinh nghiệm quốc tế sâu rộng, song các nhà phân tích nhận định, nhiệm vụ phía trước của tân Ngoại trưởng Tillerson là vô cùng nặng nề. Về đối nội, ông Tillerson sẽ phải dàn xếp những tranh cãi từ trong nội bộ Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi có khoảng 900 viên chức ngoại giao vừa ký một lá thư bày tỏ sự phản đối trước sắc lệnh về nhập cảnh mới đây của Tổng thống Trump.

Về đối ngoại, ông sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ thực hiện những lời hứa của Tổng thống Trump về việc tái định hình quan hệ với Trung Quốc và Nga; chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem; xem xét lại thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran; cũng như nỗ lực trấn an và xoa dịu các đồng minh của Mỹ trong bối cảnh một số sắc lệnh mới đây của tổng thống Trump đang gây những phản ứng trái chiều đối với nhiều nước trên thế giới.

Mỹ - Hàn Quốc thúc đẩy kế hoạch triển khai THAAD

Trong hai ngày 2 và 3/2/2017, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã có chuyến thăm Hàn Quốc. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Mattis kể từ khi được Quốc hội Mỹ phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Quốc phòng. Chuyến thăm này cũng được cho là nhằm trấn an đồng minh châu Á sau những phát biểu của tân Tổng thống Donald Trump gây lo ngại về chính sách của Mỹ trong khu vực.

Tại đây, ông Jim Mattis đã có cuộc hội đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-ji. Hai bên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ phía CHDCND Triều Tiên. Hai nước cũng khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ các hoạt động khiêu khích mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện trong tương lai, dựa trên sự hợp tác an ninh chặt chẽ Hàn-Mỹ.

FED giữ nguyên lãi suất cơ bản

Ngày 1/2/2017, trong phiên họp tháng 1, phiên họp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên nắm quyền, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định chưa thay đổi mức lãi suất hiện tại, đồng thời để ngỏ khả năng từng bước nâng mức lãi suất với tốc độ trong tương lai.

Trong tuyên bố của FED, hiện nay mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ tiếp tục được duy trì, thị trường việc làm cũng như niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã được cải thiện. Theo Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED dự đoán, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng ổn định, tạo điều kiện để FED tăng lãi suất với tốc độ từ tốn.

Trước đó, hồi tháng 12/2016, FED đã lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản lên mức 0,5-0,75% sau gần 1 năm, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh và thất nghiệp giảm mạnh. Quyết định này của FED được coi là tín hiệu khả quan, mở đường cho những lần tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau.

Các nhà phân tích cho rằng, việc giữ nguyên lãi suất lần này được xem là một bước đi thận trọng của FED trong các quyết sách của mình để không tăng lãi suất quá nhanh, và sẽ đánh giá tình hình cẩn thận hơn trong bối cảnh chính quyền mới tại Mỹ đang cân nhắc nhiều chính sách có thể đe dọa tới sự ổn định của thị trường như đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, áp đặt thêm thuế quan cũng như liên tục đưa ra chỉ trích đối với các đối tác thương mại./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Xã hội -
    Ngày 24/10, tại VOV Tây Bắc, tỉnh Sơn La, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho trên 30 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
  • 'Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 23/10, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11.
  • 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Khoa Giáo -
    Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường học tập để trẻ vui chơi, phát triển trí tuệ và năng khiếu.
  • 'Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Kinh tế -
    Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây sắn cao sản, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng sắn làm nguyên liệu chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
  • 'Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Xã hội -
    Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.