Mô hình “Dân vận khéo” của Bộ đội biên phòng

Với phương châm “gần dân, sát cơ sở”, luôn lắng nghe để giúp dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đó là cách dân vận khéo mà cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang thực hiện. Mỗi một mô hình được xây dựng đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, sự thấu hiểu, sẻ chia với cuộc sống còn nhiều khó khăn của nhân dân khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu hướng dẫn các con nuôi học bài.

Hơn 3 năm nay, Đồn Biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu có thêm 2 "chiến sĩ nhí" Sồng Lao Cường và Sồng Lao Việt, dân tộc Mông, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã được đơn vị nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. 

Đại úy Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On, chia sẻ: Hai em được cán bộ, chiến sỹ chăm lo chu đáo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Cử cán bộ có năng khiếu sư phạm kèm cặp, dạy dỗ các em trong học tập, thường xuyên gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm để nắm kết quả học tập và trao đổi phương pháp giúp các em tiến bộ.

Ban Chỉ huy Đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp xây dựng quỹ; vận động các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm để ủng hộ thêm các phần quà khác như cặp sách, quần áo mới, đồ dùng học tập, xe đạp... để hỗ trợ các con. Em Cường tâm sự: Chúng em được các chú bộ đội thương yêu, chăm sóc. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng các chú.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ xây dựng Điểm trường tiểu học Mơ Tươi, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.  

Còn tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, cũng nhiều năm nay, các em học sinh ở Điểm trường mầm non bản Buốc Pát được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập chuẩn bị bữa ăn sáng. Đại úy Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, cho biết: 100% số học sinh của Điểm trường là con đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã triển khai mô hình “Bữa sáng cho em”; đảm nhận việc chăm nuôi học sinh bằng chính khẩu phần ăn và một phần tiền lương của cán bộ hỗ trợ tự nguyện từ 25.000-100.000 đồng/người/tháng.

Đơn vị thường xuyên nấu và cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với giáo viên cắm bản đưa khẩu phần ăn sáng mang đến tận nơi cho học sinh. 10 năm qua, mô hình “Bữa sáng cho em” đã hỗ trợ cho khoảng 680 học sinh mầm non và tiểu học xã Lóng Sập. Cô giáo Lâm Thị Liên, Hiệu trưởng Trường mầm non Lóng Sập, chia sẻ: Nhờ có sự hỗ trợ bữa cơm sáng cho các em nhỏ mà việc huy động các em đến lớp của chúng tôi bớt đi nhiều khó khăn. Việc làm này của các cán bộ, chiến sỹ BĐBP không chỉ hỗ trợ các em về mặt vật chất mà mang ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, giúp truyền lửa đến phụ huynh học sinh tin yêu hơn về các thầy cô giáo, nhất là bộ đội biên phòng ở nơi biên giới.

Đồn Biên phòng Mường Lèo, huyện Sốp Cộp giúp nhân dân làm thủy lợi.

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và “Bữa sáng cho em” là 2 trong số những mô hình “Dân vận khéo” được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Mỗi mô hình có một cách làm riêng, song đều gắn chặt với các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cùng với các mô hình khác như: “Nâng bước em tới trường”, “Tự chủ, tự quản đường biên cột mốc”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Tiếng loa biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”… đã thiết thực góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó vươn lên.

Mô hình "Tay kéo biên phòng" được Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn triển khai thực hiện thường xuyên.

Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Công tác dân vận là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi công tác biên phòng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của đơn vị về thực hiện công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng. Đến nay, các đơn vị cơ sở đã đăng ký 23 mô hình “Dân vận khéo” thuộc các lĩnh vực về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh. Qua đánh giá, nhiều đơn vị đã có cách làm hay và sáng tạo, các mô hình có tính khả thi cao, sức lan tỏa lớn. Từ hiệu quả của các mô hình, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhân rộng trên tuyến biên giới. Các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần củng cố niềm tin, tình cảm đoàn kết máu thịt quân dân, xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.

Với tình cảm, trách nhiệm với nhân dân vùng biên giới, nhiều năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen về công tác dân vận; đặc biệt năm 2022, lực lượng BĐBP có 4 mô hình/26 mô hình được công nhận điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh. Có thể khẳng định, phong trào “Dân vận khéo” của những người lính mang quân hàm xanh đã mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua đó, củng cố thêm niềm tin, sức mạnh, tạo nên thế trận biên phòng lòng dân vững chắc nơi vùng biên cương của Tổ quốc.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới