Trong 3 năm thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” của Chính phủ (Đề án 1371), Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh đã cùng với các sở, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật cho nhân dân.
Nhân rộng các mô hình điểm
Đề án 1371 kế thừa Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2016 và giai đoạn 2021-2027, xây dựng, nhân rộng những mô hình, cách làm mới hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở cơ sở”. Hoạt động trên địa bàn tỉnh miền núi, trình độ dân trí và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, nhất là những văn bản, hệ thống các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và địa phương còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện Đề án 1371 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh đã rà soát, đánh giá đặc điểm từng địa bàn để chỉ đạo triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp. Trong giai đoạn 2021-2024, cơ quan thường trực ban chỉ đạo các cấp đã tổ chức 55 đoàn khảo sát tại các địa bàn và phát hơn 9.000 phiếu khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật.
Đại tá Sa Minh Nghĩa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, chia sẻ: Là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh, Bộ CHQS Sơn La đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo làm điểm tại các huyện Yên Châu, Phù Yên, Sốp Cộp và thành phố Sơn La. Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu phổ biến, tuyên truyền pháp luật tại các địa phương làm điểm, Ban Chỉ đạo xác định mỗi năm chọn làm điểm tại 2 huyện, trong đó có 1 huyện biên giới và 1 huyện nội địa. Đồng thời, mỗi huyện làm điểm chọn 2 xã để làm điểm cấp xã. Theo lộ trình, đến nay, chúng tôi đã hoàn thành việc làm điểm tại 4 huyện và 8 xã.
Bên cạnh đó, các tài liệu tuyên truyền pháp luật được biên tập bằng tiếng dân tộc của đồng bào đang sinh sống trên địa bàn, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Ban chỉ đạo các địa phương đã tổ chức 30 buổi tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự cho hơn 9.000 lượt học sinh tại 12 huyện, thành phố. Riêng Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức trên 70 giờ học thanh niên, tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên giới quốc gia, Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên tại các xã thuộc các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La và Trung đoàn 754…
Chiến sĩ Hà Văn Khiên, Đại đội 1, Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 754, chia sẻ: Được dự buổi tuyên truyền do Ban Chỉ đạo 1371 tỉnh tổ chức tại đơn vị, tôi hiểu thêm về nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên tham gia bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tôi nỗ lực nhiều hơn trong huấn luyện và rèn luyện tác phong, kỷ luật quân đội. Cũng tại buổi tuyên truyền, chúng tôi còn được tìm hiểu thêm về pháp lệnh dân số thông qua hình thức sân khấu hóa với tiểu phẩm “Từ bỏ tảo hôn”. Sau này trở về địa phương, tôi sẽ tuyên truyền cho gia đình và bà con trong bản thực hiện tốt chính sách dân số để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đa dạng hình thức tuyên truyền dễ nhớ, dễ thực hiện
Trong thực hiện, Ban Chỉ đạo 1371 tỉnh đã triển khai cuộc thi sáng tác tác phẩm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) với các thể loại: Phóng sự ngắn, phát thanh, video clip… Xây dựng kịch bản gameshow mini pháp luật với nội dung phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã gắn PBGDPL với Chương trình “Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân” tại các địa phương trong tỉnh. Tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” của Đảng ủy Quân sự tỉnh với 7 tiểu phẩm. Các tiểu phẩm này đều mang nội dung tuyên truyền, PBGDPL, được cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh ghi hình, biên tập thành tài liệu tuyên truyền. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tiếp cận và tìm hiểu bộ câu hỏi 100 tình huống pháp luật, cùng các tài liệu và chuyên đề pháp luật để nâng cao kỹ năng tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân tại cơ sở, góp phần xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh đã chọn thành phố Sơn La và huyện Sốp Cộp triển khai điểm cấp huyện. Trao đổi về thực hiện nhiệm vụ này, Thượng tá Trần Xuân Lâm, Chính trị viên Ban CHQS Thành phố, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 1371 Thành phố chỉ đạo các ban, ngành có liên quan trên địa bàn phối hợp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL kết hợp giúp nhân dân cải tạo đường dân sinh liên bản, liên xã, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Chiềng Đen. Theo đó, đã nâng cấp được hơn 15 km đường dân sinh; xây dựng 5 nhà vệ sinh tự hoại, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của xã. Việc làm này được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và tăng thêm niềm tin yêu của nhân dân với bộ đội.
Cũng là đơn vị được chọn làm điểm cấp huyện năm nay, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 huyện Sốp Cộp đã triển khai hoạt động tại các xã trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thượng tá Giàng A Dề, Chính trị viên Ban CHQS huyện Sốp Cộp, cho hay: Hình thức tuyên truyền được sân khấu hóa thông qua các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm tuyên truyền, các thước phim phóng sự có những tình huống pháp luật gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Như các phóng sự “Hệ lụy từ di cư tự do và xuất cảnh trái phép”; “Môi trường quân đội nơi rèn luyện cho tuổi trẻ trưởng thành”; tiểu phẩm “Lửa hồng”, “Không có cái cán bộ thì tao sai rồi”, “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân”... Với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, đã giúp bà con nâng cao ý thức trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động còn xây dựng được mối đoàn kết gắn bó quân dân, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong nhân dân.
Nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân
Theo Đại tá Hà Văn Dưng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, thực hiện hiệu quả Đề án 1371, nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đề án 1371 tỉnh tiếp tục tham mưu xây dựng chương trình hoạt động cụ thể theo từng năm và từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn trọng điểm, người nghiện ma túy, vùng đồng bào có đạo thông qua hình thức và nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Cùng với đó, hằng năm, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ PBGDPL của Đề án. Trong đó, tập trung bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng soạn thảo đề cương và tổ chức các buổi tuyên truyền miệng tại cơ sở; biên soạn kịch bản và tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa.
Đồng thời, duy trì xây dựng đơn vị điểm thực hiện đề án cấp huyện, bảo đảm 100% các huyện đều được xây dựng đơn vị điểm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi thực hiện Đề án 1371, nhằm đánh giá thực chất kết quả triển khai thực hiện đề án của ban chỉ đạo các huyện, thành phố. Dự kiến Hội thi sẽ tổ chức vào năm 2026.
Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục tham mưu việc huy động các nguồn lực để mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL. Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng để khai thác, sử dụng tài liệu PBGDPL và tuyên truyền về thực hiện Đề án 1371.
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, ban chỉ đạo Đề án 1371 các cấp trong toàn tỉnh đã và đang tích cực tham gia nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!