Những ngày đầu xuân, chúng tôi về thăm huyện Sốp Cộp - mảnh đất phía Tây Bắc của Tổ quốc, với trên 120 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Vùng biên cương mùa này, khoác thêm màu xanh mới của cây ăn quả; từng khu đô thị mới mọc lên; những tuyến đường về xã, bản được bê tông hóa. Nhịp sống của đồng bào các dân tộc thật bình yên.
Huyện Sốp Cộp được thành lập vào tháng 1/2004. Tròn 20 năm thành lập, từ một huyện có xuất phát điểm thấp, đến nay, trung tâm huyện đang hình thành một khu đô thị mới. Hệ thống đường trung tâm huyện được quy hoạch, xây dựng hiện đại, với các khu dân cư nhộn nhịp, có nhiều loại hình dịch vụ, thương mại.
Nổi bật là các công trình khu vực trung tâm hành chính, chính trị; khu dân cư cao tầng; các khu văn hóa - thể dục thể thao, trường học... được xây dựng khang trang. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã tạo nhiều chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp, bộ mặt nông thôn. Toàn huyện đã có 2/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học của UBND các xã xây dựng kiên cố; 100% tuyến đường đến các xã đều được đổ bê tông và rải nhựa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân.
Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Năm 2023, huyện đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh biên giới được chú trọng. Huyện cũng đã khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Bảo vệ, phát triển rừng, trồng rừng sản xuất và dược liệu theo quy hoạch. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý.
Để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến, huyện Sốp Cộp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đưa cây trồng mới vào địa bàn, đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện biên giới. Hiện nay, Sốp Cộp có trên 2.200 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 3.000 tấn; sản lượng cây lương thực có hạt trên 23.000 tấn. Huyện duy trì và phát triển chăn nuôi đàn gia súc với trên 56.200 con. Trong năm 2023, đã trồng mới gần 500 ha rừng, duy trì và phát triển 35 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn huyện đã trồng gần 50 ha dứa nguyên liệu, trong đó, có 36 ha đã liên kết chuỗi tiêu thụ với Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La.
Đến thăm Mường Và, xã có 21 bản, gần 2.700 hộ dân và có 16,5 km đường biên giới, 8 mốc quốc giới, với 4 bản biên giới giáp với nước bạn Lào. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn đã triển khai hiệu quả các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ biên giới; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hơn nữa, cái khó, cái nghèo đã dần nhường chỗ cho cuộc sống mới no đủ hơn, bộ mặt nông thôn mới ở vùng đất biên giới này đang thay áo mới.
Ông Lò Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Và, phấn khởi nói: Với diện tích lúa nước lớn nhất huyện, xã đã vận động nhân dân sản xuất các giống lúa nếp tan hin, tan nhe và tan đỏ, với sản lượng trên 1.000 tấn/năm. Lúa nếp tan Mường Và đã được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, nhân dân còn trồng trên 120 ha cam và đang xây dựng thương hiệu cam Nà Mòn. Năm nay, bà con được mùa thu hoạch, giá nông sản cũng cao hơn trước, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm.
Rời Mường Và, chúng tôi đến với xã Mường Lèo, nơi có trên 45 km đường biên giới, với 18 cột mốc quốc giới. Năm qua, nhờ có hướng đi đúng, kinh tế - xã hội của địa phương đã có bước phát triển đáng khích lệ, đời sống nhân dân đã có bước cải thiện. Xã đã đổ bê tông trên 15 km đường liên bản, nội bản; 100% các bản có đường ô tô đến bản; 10/13 bản có nhà văn hóa, 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 85% số người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Chủ tịch UBND xã Lò Văn Chủ thông tin: Hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn đã tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế, hiệp định biên giới; vận động nhân dân tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới.
Thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Sốp Cộp tập trung ưu tiên phân bổ các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, trong đó, tập trung đầu tư xây dựng xã Sốp Cộp thành thị trấn Sốp Cộp. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Năm 2023, Sốp Cộp đã triển khai thực hiện 104 dự án, đến nay, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 72 dự án, 32 dự án đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp 2 bên biên giới đầu tư kinh doanh, sản xuất.
Điều mừng nữa là, tỷ lệ hộ được sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 97,47%, trong đó có 10.678 hộ được sử dụng điện an toàn. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm đầu tư xây dựng 3 nhà lớp học, nhà bán trú, công vụ giáo viên. Hệ thống y tế của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hiện nay, 8/8 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, huyện Sốp Cộp luôn chú trọng việc chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các đơn vị với các ngành, các cấp; đảm bảo an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý và bảo vệ biên giới.
Đón năm mới với tuổi 20 tràn đầy niềm tin cùng những dự định tương lai tốt lành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sốp Cộp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh, khơi thông nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, chung sức xây dựng vùng biên cương Tổ quốc ổn định và phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!