Từ lâu đời, người Mông ở tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu vẫn lưu giữ nghề làm hương truyền thống, không những giúp người dân có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông.
Người dân bản Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu làm hương truyền thống.
Tiểu khu Pa Khen có trên 70% là người dân tộc Mông, tuy nhiên những hộ biết làm hương truyền thống hiện chỉ còn hơn 10 hộ, chủ yếu làm để gia đình sử dụng. Hằng năm, khi đã thu hoạch xong vụ lúa nương, cũng là lúc các hộ bắt tay vào làm hương để chuẩn bị cho các phong tục, tập quán, làm cúng tết...
Qua tìm hiểu được biết, hương truyền thống của người Mông được làm từ bột gỗ nghiến, thông, đinh hương trộn với bột vỏ cây nhớt và vỏ cây dổi, khi đốt có mùi thơm đặc biệt, những người đã dùng quen hương truyền thống của người Mông thì thường ít khi sử dụng đến các loại hương khác. Trao đổi với ông Hàng A Say, già làng trong tiểu khu được biết, hương truyền thống của dân tộc Mông được làm bằng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Làm hương truyền thống không khó, bởi nguyên liệu chủ yếu lấy từ cây trên rừng, nhưng phải pha trộn nhiều loại bột với tỷ lệ phù hợp, khi đốt hương sẽ cháy đều mà không bị tắt giữa chừng. Bột gỗ nghiến được trộn với bột vỏ cây nhớt theo tỷ lệ 2 phần bột gỗ 1 phần bột vỏ cây nhớt, 1 phần vỏ cây dổi. Sau đó dùng những que tre đã chẻ nhỏ đều bằng cỡ nhau có chiều dài khoảng từ 40 - 50 cm, được phơi khô nhúng vào nước cho ướt đều, rải bột lên trên mẹt vừa đập nhẹ kết hợp với xoay tròn, vừa rắc đều bột vỏ cây nhớt lên để bột bám đều lên que tre cho đến khi thành nén hương, sau khi làm xong thì đem phơi khô từ 1 - 2 ngày là có thể dùng được.
Vào những dịp gần lễ, tết nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên, các hộ làm hương còn chủ động làm nhiều hơn để bán. Một bó hương đủ nắm tay bán với giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/bó, từ làm hương để bán đã có hộ thu được gần 4 triệu đồng/tháng để chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình, như hộ ông Hàng A Phự, Giàng A Sò, bà Hầu Thị Sông... Bà Hầu Thị Sông, người có gần 20 năm làm hương truyền thống, cho biết: Trước đây, khi còn trẻ tôi thường xuyên làm hương để dùng và bán, nhưng giờ già rồi nên tôi truyền dạy nghề lại cho các con dâu làm. Để hương truyền thống có mùi thơm đặc biệt, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất cẩn thận, các loại bột được nghiền ra phải thật mịn. Đặc biệt, khi làm xong phải bảo quản thật khô, hoặc hong trên gác bếp đến khi dùng không bị hư hỏng, hương đốt lên mới có hương thơm tự nhiên, dịu nhẹ.
Trải qua bao thế hệ, tới hôm nay, mặc dù có rất nhiều loại hương đa dạng trên thị trường, nhưng nghề làm hương truyền thống vẫn được nhiều người Mông ở Pa Khen duy trì, góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống, phong tục, tập quán văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!