Dân tộc Kháng, ở Sơn La cư trú tại các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận châu. Dân tộc Kháng còn có tên gọi khác là: Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đôn, Xá Dâng, Xá Hộc,Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm, Tiếng Kháng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
Trang phục thời nay của người Kháng
Một số nét văn hóa tiêu biểu của người Kháng
Người Kháng làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt, trồng nhiều lúa nếp làm lương thực chính, nay nhiều nơi chuyển sang cày bừa đất, gieo hạt, có ruộng bậc thang nhưng không nhiều. Đồng bào chăn nuôi gà, lợn, trâu là phổ biến. Đồ đan: Ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi… và thuyền độc mộc kiểu đuôi én của đồng bào được người Thái ưa dùng. Người Kháng thường dùng loại gùi một quai, đeo qua trán.
Trang phục cổ truyền của dân tộc Kháng
Đồng bào trồng bông rồi đem bông đổi lấy vải và đồ mặc của người Thái nên trang phục giống người Thái. Phụ nữ nhuộm răng đen, ăn trầu.
Người Kháng ở nhà sàn. Nhà thường có 3 gian 2 chái, mái kiểu mu rùa và hai cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở hai vách bên. Mỗi nhà có hai bếp lửa (một bếp để nấu ăn hàng ngày, còn một bếp để sưởi và để nấu đồ cúng khi bố mẹ chết).
Tục cưới xin của người Kháng lần lượt trải qua các lễ thức sau: dạm hỏi, xin ở rể, cưới. Lễ cưới lần đầu được tổ chức cho chàng trai đi ở rể. Lễ cưới lần hai, đưa dâu về nhà chồng để gây dựng gia đình riêng. Người cậu có vai trò đặc biệt trong việc dựng vợ gả chồng cho cháu.
Theo phong tục người Kháng, người chết được chôn cất chu đáo, trên mộ có nhà mồ, có các đồ vật dành cho người chết: Hòm đựng quần áo, giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa…phía đầu mộ chôn một cột cao 4-5 mét, trên đỉnh có con chim gỗ và treo chiếc áo của vợ hay chồng người chết.
Người Kháng quan niệm mỗi người có 5 “hồn”. Sau khi chết, một hồn ở tại nhà, một hồn ở rẫy, một hồn ở gốc cây bị chặt để làm quan tài, một hồn ở nhà mồ, còn một hồn lên trời. Bố mẹ chết được thờ trên tấm phên ở góc nhà, đó là ma nhà. Hàng năm dân bản cúng ma trời và ma đất một lần.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!