Vai trò của HTX trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Sốp Cộp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, giúp các HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thành viên HTX Nông nghiệp Toản Duyên, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

Sốp Cộp hiện có 39 HTX, trong đó, 32 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với hơn 300 thành viên. Huyện đã tập trung hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình thí điểm, mô hình trình diễn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn các HTX tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” và các chương trình kết nối sản phẩm nông sản để quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu, như: Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội; Hội chợ nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La tại huyện Mộc Châu, Phiên chợ tuần nông sản an toàn thực phẩm tại Siêu thị Big C, Thành phố Hải Phòng...

Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, huyện hỗ trợ chi phí tập huấn, tư vấn kỹ thuật và tham quan các mô hình cho 4 HTX trồng cây ăn quả, cây dược liệu; hỗ trợ hơn 550 triệu đồng cho các hộ, HTX, doanh nghiệp để thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, tem và thiết kế website... Đến nay, huyện có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, gồm: Gạo nếp tan Mường Và, viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp, thịt trâu gác bếp Tân Cương, đã và đang tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hằng năm, huyện còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực quản lý, kỹ năng quản trị cho đội ngũ quản lý HTX, các thành viên HTX, tổ hợp tác và những người có nhu cầu về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên địa bàn.

Sau khi kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã nhanh chóng cải tiến sản xuất. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, một số HTX đã kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp trang bị thêm các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh, như các HTX: Nông nghiệp Nam Phượng, Nông nghiệp Nậm Ban, xã Sốp Cộp; Nông nghiệp Hải An, xã Dồm Cang...

Các HTX nông nghiệp Toản Duyên, xã Nậm Lạnh, HTX Long Hiếu, xã Sốp Cộp cũng đang tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và tiêu thụ các loại nông sản tại địa phương với nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Các HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.200 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Thành lập tháng 11/2016, ngành nghề chính của HTX Long Hiếu, xã Sốp Cộp, là sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu. Sau hơn 6 năm hoạt động, đến nay HTX có 20 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương. Hằng năm, thu mua từ 75 - 80 tấn dược liệu các loại, 2.800 - 3.000 tấn ngô, sắn, quả tươi các loại cho nhân dân trong huyện.

Ông Lại Đình Hiến, Giám đốc HTX Long Hiếu, cho biết: HTX đã đầu tư cho 11 thành viên trồng gần 30 ha cây dược liệu, hơn 10 ha cây ăn quả tại xã Nậm Lạnh, Mường Lèo. Trong đó, 20 ha đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Năm 2022, sản phẩm “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, Ban Giám đốc HTX Nông nghiệp Toản Duyên, xã Nậm Lạnh, định hướng cho thành viên tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, từ khâu chọn giống, quản lý đất đến sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc. Hiện nay, HTX có 20 ha xoài, 11 ha cam, quýt; nuôi 50 con trâu, bò, 80 con lợn, hơn 5.000 con gà, vịt và trồng 50 ha rừng; kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi. Doanh thu năm 2023, đạt trên 5 tỷ đồng, thu nhập của các thành viên HTX luôn ổn định. Hằng năm, ủng hộ từ 20 - 30 triệu đồng vào các quỹ từ thiện, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất.

Tham gia HTX từ những ngày đầu, anh Tòng Văn Nghĩa, bản Phổng, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Tham gia HTX, tôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, quy trình chăm sóc an toàn; việc sử dụng thuốc, phân bón được kiểm soát chặt chẽ. Tôi áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Năm 2023, gia đình được thu hoạch trên 1 ha cam Vinh, cam Nà Mòn, sản lượng đạt 20 tấn, trừ chi phí lãi hơn 150 triệu đồng.

Hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Sốp Cộp hiệu quả đã góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại hàng hóa nông sản đạt chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội và văn hóa cộng đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới phát triển.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới