Phù Yên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Bắt nhịp xu hướng phát triển mới của ngành nông nghiệp, huyện Phù Yên đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động các HTX, tổ hợp tác, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ vào chăm sóc cây trồng, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Giọng nữ
Trồng cà chua trong nhà màng tại HTX nông nghiệp Đồng Tiến, xã Mường Do, huyện Phù Yên.

Phù Yên có khoảng 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, ngô và một số loại cây ăn quả, cây chè... Để nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập trên 1 ha đất sản xuất cho nông dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên đã ban hành Đề án số 03-ĐA/HU ngày 28/1/2021 về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025. UBND huyện xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân, có cơ chế hỗ trợ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận với sản xuất hiện đại. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng tập trung theo kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP...; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện, như: Cam, tỏi, gạo...

Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lang, huyện Phù Yên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ.

Hiện nay, huyện đã nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện tích 520 ha, đạt 86,8% kế hoạch giai đoạn 2021-2025, trong đó, 130 ha được cấp chứng nhận hữu cơ. Lúa được chăm sóc theo hướng hữu cơ, giá bán gạo cao hơn từ 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn 5.000-8.000 đồng so với gạo sản xuất truyền thống. Ngoài ra, nông dân các xã còn sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP quy mô 5 ha; phát triển 12 ha chuối tại xã Huy Tân đã được cấp mã vùng trồng. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các mô hình trang trại, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và VietGAP, như nuôi dúi 4.000 con/năm tại các xã Mường Lang, Gia Phù...; nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng lòng hồ sông Đà, với khoảng 200 lồng cá...

Nông dân xã Huy Tường, huyện Phù Yên trồng thanh long theo hướng hữu cơ.

Thời gian gần đây, huyện đưa vào thử nghiệm trồng cà chua bi, dưa lưới hoàng kim, dưa hấu... ở một số xã, đã cho kết quả đáng ghi nhận, có thể nhân rộng. HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc thành lập năm 2016, là một trong những HTX ứng dụng công nghệ cao thành công vào trồng dưa lưới. Năm 2018, HTX triển khai mô hình sản xuất an toàn và đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để trồng dưa lưới. Đến nay, sản lượng dưa lưới của HTX đạt 60 tấn/năm, giá bình quân 45 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX liên kết gần 50 hộ dân tại các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải trồng 40 ha rau màu. Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất, bao tiêu hơn 200 tấn rau, củ, quả... doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Mô hình nuôi vịt theo hướng sinh học tại xã Huy Thượng, huyện Phù Yên.

Riêng vùng cây ăn quả có múi của huyện tập trung tại các xã: Tân Lang, Mường Thải, Mường Cơi... Với tổng diện tích gần 600 ha, phần lớn là cam, bưởi, quýt. Đến nay, 150 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ; áp dụng tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt đối với 19 ha cây ăn quả, như: Chuối, mít thái, cam đường canh, cây bưởi da xanh. Ngoài ra huyện còn hỗ trợ các HTX phát triển diện tích nhà màng được 7.319 m2...

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ngày càng khẳng định thương hiệu nông sản Phù Yên trên thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân trong huyện nâng cao thu nhập, làm giàu trên quê hương.

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới