Nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh từ loại hoa đu đủ đực ngày càng tăng, trong khi nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, năm 2018, ông Nguyễn Trọng Dương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đăng Dương Sơn La, tiểu khu 1, xã Mường Bú, huyện Mường La đã trồng và thử nghiệm chế biến hoa đu đủ đực thành trà dược liệu.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng nguyên liệu sản xuất trà dược liệu tại bản Mường Kham, xã Mường Chùm, ông Nguyễn Trọng Dương chia sẻ: Từ lâu, trong dân gian hoa đu đủ đực được đánh giá cao bởi tác dụng hỗ trợ điều trị các chứng bệnh ho, hen. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, trong hoa đu đủ đực có chứa các hoạt chất giúp chống oxy hóa tế bào. Từ kinh nghiệm gia truyền và học hỏi trên sách báo, năm 2018, tôi bắt đầu liên kết trồng cây đu đủ đực, quy mô hơn 15 ha ở bản Pàn, Co Tòng, Mường Kham, thuộc xã Mường Chùm.
Ông Dương đã liên kết với các hộ dân, hợp tác xã xây dựng vùng trồng nguyên liệu, đảm bảo nguồn nước sạch để tưới cho cây. Cây giống được ông lựa chọn kỹ, không có mầm bệnh và cung cấp trực tiếp cho nhân dân. Toàn bộ diện tích trồng được làm cỏ bằng phương pháp thủ công và chỉ dùng các chế phẩm hữu cơ để bón cho cây.
Cây đu đủ ra hoa quanh năm, nhưng nhiều nhất là từ tháng 5 đến tháng 8. Cứ khoảng nửa tháng thu hoạch hoa đu đủ 1 lần. Hoa không được để qua đêm mà phải tiến hành sấy bằng máy công nghệ cao để nhựa hoa giữ nguyên chất dinh dưỡng và các thành phần dược tính, tạo hương thơm, vị đắng nhẹ và ngọt mát khi thưởng thức.
Ông Nguyễn Trọng Dương chia sẻ: Năm 2022, tôi được Sở Công Thương hỗ trợ hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, gồm 2 máy sấy nóng, 1 máy sấy lạnh và 1 máy nghiền công nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm hàng hoá đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Quy trình sản xuất trà hoa đu đủ gồm 8 bước, từ thu hoạch nguyên liệu, sơ chế, sao sấy nguyên liệu, nghiền nguyên liệu, pha chế nguyên liệu, sấy bảo quản, đóng túi lọc, đóng hộp hoàn thiện sản phẩm. Quy trình sản xuất trà hoa đủ đủ cần khéo léo, bởi hoa đu đủ đực có cánh mảnh, không đồng đều. Trong quá trình chế biến cần điều chỉnh phù hợp về nhiệt lượng, thời gian sấy, thành phẩm dễ có vị đắng, hương ngái, khó sử dụng.
Từ 15 ha ban đầu, đến nay ông Nguyễn Trọng Dương đã liên kết mở rộng diện tích trồng cây đu đủ lên 40 ha tại các xã Pi Tong, Mường Chùm, Mường Bú. Năm 2022, sản lượng hoa tươi đạt 10 tấn, sấy thành phẩm được trên 1,1 tấn trà hoa khô. Sản phẩm được đóng hộp và trưng bày tại Trung tâm giới thiệu, trưng bày, bán các sản phẩm OCOP của huyện và bán lẻ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài trà hoa đu đủ, hiện nay còn phát triển thêm trà lá đu đủ, trà táo mèo, trà cây đuôi chuột, trà bí đao… Công ty đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đánh giá: Trà hoa đu đủ là sản phẩm mới trên địa bàn. Mặc dù mới đi vào sản xuất, song bước đầu được người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, sản phẩm trà hoa đu đủ của ông Nguyễn Trọng Dương đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, là một trong 2 sản phẩm của huyện tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh.
Với việc liên kết với các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, mở thêm hướng sản xuất hiệu quả cho nông dân trên địa bàn huyện. Dự định trong thời gian tới, ông Dương sẽ mở rộng vùng nguyên liệu trà dược liệu và tập trung nghiên cứu và đưa vào trồng hoa đậu biếc, quả la hán… để đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng trưng bày, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tiến tới phân phối vào hệ thống siêu thị, nhà thuốc trên toàn quốc, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!