Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Sơn La là vùng trồng cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước, thời điểm này, nhiều loại nông sản như xoài, nhãn, chanh leo, chuối… vào vụ thu hoạch. Để hỗ trợ tiêu thụ, tỉnh Sơn La đang chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường cho người dân và doanh nghiệp.

Giọng nữ

Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Sơn La có điều kiện phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, đa dạng nông sản giá trị cao. Các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho người dân.

Thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Mường Hung, thu hoạch nhãn.

Tại xã Chiềng Khoong, địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Toàn xã hiện có trên 1.857 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, năng suất đạt 15 tấn/ha, thu nhập bình quân 150 - 300 triệu đồng/ha. Xã duy trì 7 HTX hoạt động hiệu quả, cùng 2 làng nghề chế biến long nhãn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, cho biết: Là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn, bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Xã chỉ đạo phòng chuyên môn đẩy mạnh hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền vận động nhân dân chế biến sản phẩm long nhãn để giảm áp lực tiêu thụ quả tươi cho thị trường. 

Nhiều hộ dân xã Chiềng Khoong chế biến long nhãn, giảm áp lực thị trường tiêu thụ quả tươi.

Cùng với đó, các sở, ngành đã phối hợp hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, sản xuất theo chuỗi an toàn và có chứng nhận. Toàn tỉnh hiện có 8 vùng cây trồng ứng dụng công nghệ cao; 216 mã vùng trồng xuất khẩu với hơn 3.000 ha; 8 mã số đóng gói cho các sản phẩm như nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo; 31 loại nông sản mang địa danh tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Có 201 chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh quả an toàn, tổng diện tích 4.502 ha, sản lượng đạt khoảng 54.207 tấn/năm.

Năm 2025, thời tiết thuận lợi giúp cây ăn quả và sơn tra phát triển tốt, sản lượng ước đạt 510.000 tấn, tăng 31% so với năm 2024. Trong đó, mận hậu và xoài khoảng 100.000 tấn, nhãn ước đạt 155.000 tấn. Toàn tỉnh dự kiến xuất khẩu trên 35.000 tấn sang Trung Quốc, EU và các nước khác; khoảng 100.000 tấn phục vụ chế biến; hơn 325.000 tấn tiêu thụ qua hệ thống chợ, doanh nghiệp, HTX và thương nhân.

Nông dân xã Sông Mã thu hoạch nhãn.

Ngoài liên kết với một số tiểu thương, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, còn có nhiều đối tác truyền thống đặt hàng xuất khẩu sang EU. Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với 45 ha nhãn (35 ha đã cho thu hoạch), sản lượng đạt hơn 400 tấn. Đến nay, HTX đã nhận đơn hàng xuất khẩu 100 tấn sang Đức, Pháp qua sàn thương mại điện tử; số còn lại tiêu thụ nội địa và chế biến long nhãn. Đây là động lực để HTX tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng tầm thương hiệu nhãn Sông Mã.

Còn tại HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu, bản Kim Chung, xã Phiêng Khoài, hiện đang duy trì và liên kết trồng trên 150 ha mận hậu theo quy trình VietGAP, sản lượng đạt 675 tấn. Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Đơn vị có 30,5 ha mận được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang EU, New Zealand và Hoa Kỳ. Năm nay, sản lượng cao, giá bán có giảm nhưng HTX vẫn kiên trì áp dụng sản xuất an toàn, nâng chất lượng sản phẩm và xây dựng thành công thương hiệu “Mận Ruby”. Từ đầu vụ đến nay, ngoài tiêu thụ trong nước, HTX đã xuất khẩu 14 tấn mận sang EU qua Công ty LMC-BIO, với giá cao hơn 30% so với thị trường nội địa.

HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu, phường Thảo Nguyên, đóng gói sản phẩm xoài sấy dẻo.

Quảng bá sản phẩm, tỉnh Sơn La đã tích cực tham gia các sự kiện giao thương, hội chợ, tuần lễ nông sản trong và ngoài nước để quảng bá, tiêu thụ nông sản, giúp doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường. Các địa phương chủ động tổ chức ngày hội hái quả, gắn quảng bá nông sản với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Shopee, TikTok Shop và bán hàng trực tuyến. Ngoài tiêu thụ quả tươi, toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (gồm 17 nhà máy, 543 cơ sở) và 2.994 cơ sở sấy long nhãn, góp phần giảm áp lực tiêu thụ.

Dây chuyền sơ chế xoài của Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La.
Ảnh: Nguyễn Yến

Năm 2025, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La dự kiến thu mua khoảng 80.000 tấn nông sản, gồm: trên 30.000 tấn xoài, 18.000 tấn ngô ngọt, hơn 12.000 tấn đậu tương rau, 2.000 tấn nhãn và một số loại khác. Từ đầu tháng 6, Công ty bắt đầu thu mua xoài với sản lượng khoảng 150 tấn/ngày, giá tối thiểu 7.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm, thông tin: Doveco tiếp tục liên kết với HTX, xây dựng chuỗi sản xuất ổn định và giữ giá thu mua bền vững. Ngoài ra, đơn vị đã lắp đặt dây chuyền đóng hộp giấy hoa quả đầu tiên tại Việt Nam, do Tetra Pak (Thụy Điển) sản xuất, công suất 6.000 hộp/giờ.

Nông sản Sơn La được trưng bày tại Diễn đàn kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc đầu tháng 7 tại Sơn La.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Sở đang phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và OCOP. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác, mở rộng mạng lưới phân phối, qua đó, tạo liên kết bền chặt, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mở rộng thị trường, từng bước vươn ra quốc tế.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới