Mộc Châu chủ động bảo vệ cây trồng, đàn vật nuôi

Mộc Châu đang hứng chịu đợt rét đậm đầu tiên trong mùa đông năm nay. Bảo vệ đàn vật nuôi và cây trồng trước thời tiết khắc nghiệt, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, cây trồng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với kinh nghiệm gần 10 năm nuôi gia súc, các đây hơn 1 tháng gia đình anh Mai Xuân Anh, tiểu khu 4, xã Chiềng Sơn đã chuẩn bị thức ăn tích trữ cho đàn bò của gia đình, toàn bộ rơm sau vụ thu hoạch lúa được gia đình anh tích trữ, cùng với đó gia đình anh chăm sóc tốt diện tích cỏ voi, làm thức cho đàn bò của gia đình trong những ngày giá rét. Không chủ quan trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, anh Xuân Anh chia sẻ: Chuồng trại của gia đình cũng đã được quây kín để đảm bảo bò không bị gió lùa, mưa mù làm ướt chuồng, nền chuồng cũng được lót bổ sung bằng mùn cưa hoặc trấu khô. Đồng thời, gia đình bổ sung thêm thức ăn xanh, tinh bột và nước muối ấm pha loãng đề bò tăng sức đề kháng, chống chịu tốt hơn với rét đậm, rét hại.

Nông dân xã Chiềng Sơn bổ sung thức ăn cho đàn bò vào mùa Đông.

Xã Chiềng Sơn hiện có gần 2.000 con trâu, bò, với địa hình đồi núi với cao, nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm lớn, để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, xã tuyên truyền nhân dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ gia súc. Ông Ngô Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, thông tin: Xã tuyên truyền, vận động nhân dân không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét cho vật nuôi. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; đảm bảo thức ăn cho vật nuôi.

Nông dân xã Mường Sang thu hoạch rau vụ Đông.

Còn tại xã Mường Sang, nơi có diện tích chuyên canh các loại cây rau màu lớn nhất của huyện Mộc Châu với trên 150 ha, ngày từ đầu mùa đông bà con đã tích cực chăm sóc, bón phân để tăng khả năng chống rét cho cây, cùng với đó xã chủ động các phương án xử lý khi rét đậm, rét hại xuất hiện. Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Sang, cho biết: Xã đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, khuyến cáo bà con nông dân không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp dưới 150C. Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, khuyến khích người dân thu hoạch sớm, đúng lứa để đảm bảo năng suất, tránh thiệt hại; sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng để phòng chống rét cho các loại cây trồng. Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, khuyến cao người dân cần phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua.

Theo thống kê, huyện Mộc Châu hiện có tổng đàn trâu, bò đạt 50.290 con, trên 10.310 ha cây ăn quả và hơn 3.000 ha rau màu. Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện đã ban hành công văn chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện để mọi người dân được biết, chủ động phòng chống rét đậm, rét hại. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại. Thành lập các tổ về cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, tăng cường đưa tin về diễn biến rét đậm, rét hại trên đài truyền thanh, truyền hình của huyện và hệ thống loa truyền thanh ở các xã, bản để người dân nắm được, chủ động phòng tránh.

Nhân dân xã Mường Sang làm lưới chống sương muối cho cây trồng.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, thời tiết miền Bắc nói chung và huyện Mộc Châu nói riêng tiếp tục có rét đậm. Trong khi đó, chỉ còn gần hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng với khuyến cáo, chỉ đạo của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhân dân cần tập trung chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường cũng như hiệu quả kinh tế của người sản xuất.

 

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới