Để nông dân có mùa cà phê bội thu

Với gần 20.000 ha, Sơn La là địa phương có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, các địa phương đẩy mạnh tập huấn, tư vấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, giúp cây cà phê phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn nông dân bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ chăm sóc vườn cà phê sau thu hoạch.

Là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn trên địa bàn tỉnh, thành phố Sơn La hiện có gần 5.000 ha cà phê, tập trung tại các xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, phường Chiềng An và phường Chiềng Sinh. Căn cứ nhu cầu của nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố cử cán bộ trực tiếp đến các bản, hộ gia đình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) tổ chức 4 lớp tập huấn cho 140 lượt người dân xã Hua La và Chiềng Đen về kỹ thuật tái canh cà phê; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê sau thu hoạch cho 50 lượt nông dân.

Thực hiện cắt tỉa cà phê sau thu hoạch hạn chế sâu bệnh hại cây, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Chị Vũ Thị Minh Châu, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, chia sẻ: Mỗi năm, cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí theo từng giai đoạn phát triển của vườn cây cà phê cho 5-8 hộ để xây dựng những mô hình điểm; cán bộ khuyến nông đồng hành 2-3 năm đến khi các hộ thuần thục, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cà phê. Sau đó, các hộ tham gia sẽ là hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ nông dân khác.

Khéo léo cắt tỉa những cành cà phê khô, cành xiên, cành dăm, chị Lò Thị Thảo, bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, Thành phố, chia sẻ: Năm nay, là năm thứ 3 gia đình áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê, với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi áp dụng đúng, đủ kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê hiệu quả. Từ ngày được chăm sóc đúng cách, hơn 2ha cà phê phát triển khỏe, ít sâu bệnh hại, quả to đều, chín đồng thời, giúp việc thu hoạch dễ dàng, năng suất cao gấp đôi so với những năm trước.

Nông dân xã Chiềng Cọ, Thành phố thực hành cắt tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê.

Đến nay, Thành phố thực hiện tái canh 210 ha cà phê bằng giống mới, nhiều diện tích cà phê già cỗi được tập trung cải tạo. Trong đó, khoảng 18 ha cà phê giống THA1 đã cho thu hoạch quả, năng suất ước đạt 28 tấn quả tươi/ha, tăng 20-25% so với giống cũ, quả to đều, chất lượng tốt.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn nông dân xã Chiềng Mung tăng cường chất dinh dưỡng nuôi cây cà phê.

Còn tại huyện Mai Sơn, hiện có trên 6.500 ha cà phê, trong đó trên 6.200 ha cho thu hoạch. Hằng năm, sau vụ thu hoạch cà phê, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng kỹ thuật chăm sóc cà phê sau thu hoạch tại các bản, cụm bản, khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức 20 lớp tập huấn cho 800 lượt nông dân của 10 xã về áp dụng kỹ thuật cắt, tỉa, tái canh cà phê. Hiện nay, 65% số học viên tham gia lớp tập huấn thực hiện việc cắt tỉa cành tạo tán và đăng ký thực hiện tái canh cà phê bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao.

Cây cà phê sau khi cắt tỉa, tạo độ thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, đậu quả.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật sản xuất... đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nông dân trong canh tác cà phê. Bà con đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ, đưa các giống cà phê mới vào sản xuất, canh tác nhằm cải thiện năng suất, chất lượng cà phê trên đia bàn.

Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 16.700 ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương, như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C... theo tiêu chuẩn của thị trường trong nước và thế giới. Công nhận 2 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao có diện tích trên 1.000 ha tại 18 bản thuộc 3 xã Chiềng Ban, Chiềng Chung và Chiềng Dong, với trên 1.500 hộ tham gia.

Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai Dự án “Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica, đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh. Trung tâm tiếp tục tổng hợp nhu cầu, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác cà phê Arabica bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật theo từng giai đoạn phát triển của cà phê, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê Sơn La.

Việc các cấp ngành, các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, Thành phố chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, giúp người dân thực hành nông nghiệp tốt, đem lại kết quả tối ưu hóa chi phí, cung ứng sản phẩm cà phê sạch, an toàn, phục vụ xuất khẩu và phát triển cà phê ngày càng bền vững, đưa thương hiệu cà phê Sơn La ngày một vươn xa.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới