Chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông

Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, huyện Quỳnh Nhai đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp ứng phó với tác động bất lợi của thời tiết, tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 11.627 con trâu, 24.392 con bò, 15.180 con dê, đàn lợn 44.457 con, đàn gia cầm hơn 256.000 con, cùng hơn 4.000 lồng cá trên lòng hồ sông Đà. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức tiêm phòng 9.495 liều vắc xin lở mồm long móng, 7.550 liều tụ huyết trùng trâu, bò; phun gần 500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng; tổ chức trên 20 buổi tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch theo mùa cho đàn vật nuôi trên địa bàn.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.

Bà Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Trước khi bước vào mùa đông, đơn vị đã phân công các cán bộ chuyên môn bám sát tình hình diễn biến của thời tiết. Đôn đốc, chỉ đạo các xã, cùng cán bộ phụ trách thường xuyên hướng dẫn nhân dân công tác phòng, chống bệnh dịch; dự trữ nguồn thức ăn và gia cố chuồng trại để bảo vệ cho đàn vật nuôi.

Để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn gia súc, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện đã hướng dẫn các hộ bảo quản và dự trữ thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn vật nuôi khi cần thiết. Tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như sắn, ngô để ủ chua làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Duy trì diện tích trồng cỏ phục vụ làm thức ăn chăn nuôi với tổng diện tích 603 ha. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc, gia cố chuồng trại khi trời rét; tận dụng chăn, vải, bạt để che chắn chuồng trại, ủ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp; luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ; rắc vôi bột để khử trùng, phòng, chống các loại bệnh gây hại và bổ sung nguồn nước hợp lý cho đàn vật nuôi...

Gia đình bà Là Thị Chung, bản Mường Giàng, xã Mường Giàng, hiện có 8 con bò, 10 con lợn nái và 27 con lợn thịt. Để bảo vệ đàn vật nuôi, gia đình bà đã thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng chống bệnh thường gặp cho đàn lợn và đàn bò. Bà Chung chia sẻ: Cùng với việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, gia đình tôi còn chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, như: thân chuối, cỏ voi, bột ngô...; thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun khử trùng để tránh nguồn lây bệnh.

Là xã vùng cao của huyện Quỳnh Nhai, xã Chiềng Khay hiện có trên 4.900 con trâu, bò. Nhằm giảm thiểu các tác nhân xấu của thời tiết tới đàn vật nuôi, xã Chiềng Khay đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tiêm phòng hơn 5.000 liều vắc xin phòng, chống các loại bệnh, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn. Tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố, đảm bảo vệ sinh chuồng trại...

Còn tại xã Mường Giôn, với đàn gia súc trên 12.800 con, thời điểm này, chính quyền địa phương cùng các cán bộ thú y duy trì nghiêm ngặt việc kiểm soát giết mổ và nhập gia súc trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, cho biết: Cùng với công tác tiêm phòng cho động vật, hiện nay, xã đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ động động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn.

Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sẽ góp phần hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới