Triển vọng mô hình nuôi ong rừng

Gần đây, người dân xã Chiềng Lao (Mường La) đã khai thác lợi thế diện tích rừng tự nhiên để nuôi ong lấy mật, bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá, mở ra triển vọng phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong rừng.

                                 

Sản phẩm mật ong rừng của người dân bản Pá Sóng, xã Chiềng Lao (Mường La).

           

Trước đây, gia đình anh Mùa A Nhịa, bản Pá Sóng, chỉ nuôi ong rừng để phục vụ sinh hoạt gia đình, dần dần lượng mật ong thu được tăng, gia đình anh mang ra chợ bán. Nhận thấy nhu cầu mua mật ong rừng nguyên chất của khách hàng cao, năm 2016, gia đình anh Nhịa tăng số lượng đàn ong. Anh Nhịa cho biết: Ban đầu, gia đình tôi có từ 40 đến 50 tổ ong, nay tăng lên hơn 200 tổ ong rừng. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu được khoảng 4 tạ sáp lẫn mật ong, bán với giá trung bình 120.000 đồng/kg, thu gần 50 triệu đồng. Tôi và một số hộ dân khác đặt các lọ thủy tinh và in tem quảng bá với tên gọi “Mật ong đá” để bán ra thị trường. Nuôi ong rừng tự nhiên không mất vốn đầu tư, không mất công chăm sóc, thu nhập cao, chỉ cần chuẩn bị tổ vào đầu mùa xuân hàng năm để dụ ong về và chờ thu hoạch mật.

           

Cũng giống như hộ gia đình anh Nhịa, 87 hộ gia đình khác ở 4 bản vùng cao của xã, gồm: Pá Sóng, Huổi Hậu, Phiêng Phả, Đán Én cũng có thu nhập từ nuôi ong rừng. Hiện, toàn xã có 2.188 tổ ong, mỗi năm thu khoảng 20 tấn mật. Theo người dân ở đây, ong rừng không được thuần hóa mang về nhà nuôi, mà bà con sẽ vào các khu vực rừng già lâu năm, khu rừng tự nhiên có thảm thực vật đa dạng, những khu vực gần các khe suối để khoét hầm trên vách đá hoặc đục gốc cây mục để dụ ong về làm tổ. Tổ ong rừng tạo trong hầm vách đá thường rộng khoảng 50cm, sâu 50 cm, một số tổ được đổ bê tông, bịt kín đầu bằng đá hoặc bê tông; khi thu hoạch, người dân phá lớp bê tông ban đầu, thu cả mật và sáp ong về bán. Mật ong thu được từ các tổ là mật ong nguyên chất nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.

           

Để hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi ong rừng, một số cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với xã tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình. Bên cạnh đó, xã Chiềng Lao đã tuyên truyền, vận động bà con tăng số lượng đàn ong nuôi; khuyến khích đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi ong tại Mai Sơn, Thuận Châu; liên hệ và giới thiệu sản phẩm mật ong rừng cho các công ty và khách hàng khu vực trong và ngoài tỉnh, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

           

Ông Cà Văn Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lao, cho biết: Mô hình nuôi ong rừng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tình trạng người dân khai thác rừng, phá rừng làm nương. Để mô hình phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, xã đã hướng dẫn các hộ dân nuôi ong liên kết thành lập HTX nông nghiệp Chiềng Lao, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động. Đồng thời, triển khai kế hoạch xây dựng sản phẩm mật ong rừng trở thành sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong rừng phát triển.

           

Từ thực tiễn địa phương, với sự vào cuộc của các cấp, chính quyền địa phương, tin rằng nghề nuôi ong rừng lấy mật ở xã Chiềng Lao sẽ từng bước phát triển, giúp đồng bào dân tộc Mông ở các bản vùng cao trên địa bàn xã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.   

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới