Thêm lực để Nậm Giôn vượt khó

Cách trung tâm huyện hơn 70 km, Nậm Giôn là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, có 15 bản, 841 hộ, thuộc 3 dân tộc Mông, Kháng và La Ha. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, phát triển chăn nuôi nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.

 

Người dân bản Huổi Trà, xã Nậm Giôn (Mường La) chăm sóc cây sắn cao sản.

 

Ông Lò Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, cho biết: Những năm qua, xã đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án Nhà nước hỗ trợ, như: 30a, 135, Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số ít người... Đồng thời, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương để phát triển, như trồng sắn cao sản, ngô lai, các loại lúa giống đặc sản...

Toàn xã hiện canh tác 70 ha ruộng một vụ; 900 ha ngô; 140 ha lúa nương; 450 ha sắn cao sản... Sản lượng lương thực đạt trên 1.700 tấn/năm. Đặc biệt là đã chuyển đổi 130 ha trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng xoài ghép, hơn 3 ha dứa, 2 ha thảo quả...

Bên cạnh đó, khai thác lợi thế khu vực chăn thả rộng, nhiều bãi cỏ tự nhiên, xã Nậm Giôn đã hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa; chủ động rào chắn khoanh vùng chăn nuôi tại một số bãi, đồi cách xa khu vực sản xuất, gieo trồng của người dân. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông về các bản hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc trâu, bò sinh sản, trồng cỏ voi, cách dự trữ thức ăn chăn nuôi; tiêm vắc xin định kỳ phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Nhờ vậy, hiện nay, toàn xã có trên 2.500 con trâu, bò; gần 1.700 con dê, 3.700 con lợn trên 2 tháng tuổi và gần 21.600 con gia cầm... Ngoài ra, xã còn khuyến khích người dân đầu tư nuôi 156 lồng cá các loại, sản lượng đạt 2,9 tấn cá/năm.

Anh Quàng Văn Trỉnh, Trưởng bản Huổi Tao, cho biết:  Bản hiện trồng trên 70 ha sắn cao sản, 8 ha lúa ruộng, 5 ha cây ăn quả: xoài ghép, nhãn, mận hậu... trên 20 hộ nuôi từ 7-15 con trâu, bò/hộ. Đã có hộ thu nhập 150 triệu đồng/năm trở lên như gia đình các ông, bà: Lò Thị Chanh, Quàng Văn Sương, Quàng Văn Hè.

Một trong những hộ có thu nhập cao từ mô hình kinh tế tổng hợp, anh Quàng Văn Sương, bản Huổi Tao chia sẻ: Sau khi dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi đã vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư chăn nuôi và trồng 3 ha sắn cao sản, 2 ha ngô lai. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, duy trì nuôi từ  5 - 7 con trâu, bò; 15 - 20 con dê, hơn 100 con gia cầm/lứa, mỗi năm thu nhập hơn 160 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Tôi đã làm được ngôi nhà mới khang trang; các con được ăn học chu đáo.

Nậm Giôn hôm nay đã thay đổi nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, rất mong các cấp, các ngành, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ, đầu tư giúp xã trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới