Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dấu hiệu tái phát một số dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: Tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở bò... Tại huyện Mường La, dịch tả lợn châu Phi ở xã Mường Bú và Mường Chùm đã được khống chế, khoanh vùng, dập kịp thời. Hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đang được huyện triển khai, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho hộ chăn nuôi, đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La hướng dẫn người dân xã Mường Chùm chăm sóc đàn vật nuôi.
Theo thống kê, Mường La có gần 40.000 con trâu, bò; 28.500 con dê; 64.000 con lợn và 492.000 con gia cầm. Toàn huyện có 1 HTX chăn nuôi lợn quy mô lớn tại thị trấn Ít Ong, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Để bảo vệ đàn vật nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật vào chăn nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, như: Vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng; xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã thống kê số lượng đàn vật nuôi, đảm bảo tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ. Cùng với đó, thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện...
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Cơ quan đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa; phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, kịp thời nắm bắt tình hình dịch tả lợn châu Phi tại các địa bàn có nguy cơ tái nhiễm để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn người dân đa dạng nguồn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp như trồng cỏ, rơm rạ, cây ngô, lá mía... đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, đặc biệt là ở các xã vùng cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện đã triển khai tiêm hơn 142.000 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò; tiêm 26.100 liều vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi; 12.000 liều vắc xin phòng bệnh dại chó và phun 800 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các khu chuồng trại, chăn nuôi, khu chợ mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn... Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đàn vật nuôi phát triển tốt.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lường Văn Bó, bản Mường Kham, xã Mường Chùm. Hiện nay, gia đình anh có 10 con trâu, bò. Anh Bó cho biết: Gia đình tôi luôn chú trọng tiêm phòng vắc xin phòng bệnh định kỳ 2 lần/năm cho gia súc. Khi thấy gia súc có biểu hiện hoặc nghi nhiễm bệnh, tôi liên hệ với cán bộ thú y xã để có phương án xử lý. Trước đây, đàn vật nuôi của gia đình đã từng mắc bệnh lở mồm long móng, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng bệnh, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh không tái phát.
Gia đình tôi xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông; áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo đàn gia súc. Đồng thời, thu gom lá mía, ủ chua từ 2-3 bao tải lớn để làm nguồn thức ăn dự trữ. Hiện gia đình tôi có 9 con trâu, bò. Mỗi năm bán 1-2 con bê, nghé, thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Anh Lường Văn Hoan ở cùng bản chia sẻ.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của huyện Mường La tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi; thường xuyên nắm tình hình các loại dịch bệnh theo mùa để kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra. Các xã, thị trấn rà soát các địa điểm có nguy cơ xảy ra dịch bệnh để phun tiêu độc khử trùng; tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!