Hơn 10 ngày sau trận lũ quét đêm 24, rạng sáng ngày 25/8, chúng tôi trở lại xã Nặm Păm (Mường La), được chứng kiến người dân các bản đang tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai và chia sẻ với bà con về những băn khoăn, mong muốn để ổn định sản xuất và đời sống.
Gia đình anh Tòng Văn Biên, bản Hốc, xã Nặm Păm (Mường La) sử dụng máy xúc cải tạo mặt ruộng.
Trên tuyến tỉnh lộ 109 vào trụ sở UBND xã, nhân dân bản Hua Nặm và bản Hốc đang san lấp đất đá, lấy lại mặt bằng đoạn đường. Trò chuyện với anh Lường Văn Hóa, bản Hốc, anh kể: Trận lũ lần này, bản có 2 hộ phải sơ tán; 13/18 ha ruộng bị cuốn trôi. Ruộng lúa không thể cấy lại được, vì đã quá muộn so với khung thời vụ. Nhân dân trong bản rất mong các cấp, các ngành hỗ trợ để chuyển sang trồng cây màu trên diện tích ruộng vừa bị lũ cuốn trôi.
Nhìn những thửa ruộng lổn nhổn đá, sỏi, chúng tôi thật băn khoăn không biết loại cây nào có thể phát triển được trên “chất đất” đặc biệt này. Chúng tôi tới gần chiếc máy xúc đang gạt những hòn đá to và xúc đất đổ trên bề mặt ruộng. Đó là ruộng của gia đình anh Tòng Văn Biên, người dân bản Hốc. Anh Biên chia sẻ: Bao nhiêu công cải tạo 400 m² ruộng của gia đình vừa bị trận lũ cuốn trôi hết. Để tiếp tục sản xuất được trên diện tích ruộng này, tôi thuê máy xúc làm lại mặt bằng và đổ đất trên bề mặt ruộng. Tôi đang nghiên cứu sau cải tạo ruộng sẽ trồng loại cây màu để bù lại số lúa vừa bị lũ cuốn trôi.
Tại trụ sở UBND xã Nặm Păm, trao đổi với ông Cà Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã về công tác phòng chống thiên tai. Ông Hùng cho biết: Trận lũ quét đêm 24, rạng sáng ngày 25/8 vừa qua đã cuốn trôi 1 nhà quán; 3 hộ phải di dời khẩn cấp; 15 hộ có nguy cơ sạt lở cao; 19 hộ bị ảnh hưởng; trên 600 người dân phải tạm thời sơ tán; ngập, cuốn trôi 55 ha ruộng, ao; gần 16 mét kênh mương thủy lợi và 700 mét đường ống nước sinh hoạt bị hư hỏng; sạt lở, cuốn trôi 6 km tuyến tỉnh lộ 109 đoạn trên địa bàn xã...
UBND xã đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nắm diễn biến dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc và chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa lũ xảy ra. Nói về việc được hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, anh Lường Văn Hanh, bản Hua Nặm (xã Nặm Păm) cho biết: Rạng sáng ngày 25/8 vừa qua, gia đình tôi bị một tảng đá to bằng gian nhà lăn vào nhà, làm gãy 1 chân cột nhà sàn. Vì tảng đá quá to không thể di chuyển ra chỗ khác, nên ngay buổi sáng hôm đó, bà con trong bản đã đến giúp gia đình tôi đập vỡ một phần tảng đá và khắc phục cột nhà bị gãy.
Trao đổi về việc khắc phục diện tích ruộng của các bản xã Nặm Păm vừa bị lũ cuốn trôi, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Trên cơ sở rà soát, huyện đề nghị với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ bà con giống bí cô tiên để trồng trên diện tích ruộng vừa bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, do mặt ruộng toàn đá, sỏi, nên sẽ phải vận chuyển đất ở nơi khác về để trồng. Dù khó khăn, nhưng hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cho người dân. Bên cạnh đó, huyện dự kiến sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phòng chống thiên tai của huyện để hỗ trợ nhân dân sửa chữa đường ống nước sinh hoạt và hệ thống kênh mương thủy lợi.
Ông Tâm cho biết thêm, trong năm nay, huyện sẽ tiến hành di chuyển 30 hộ dân bản Ít, xã Nặm Păm đến nơi ở mới theo phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường các biện pháp ứng phó để bảo đảm an toàn tính mạng người dân và giảm thiểu thiệt hại tài sản do thiên tai. Trong đó, tiếp tục phát huy phần mềm của hệ thống đo mưa tự động, nhằm cảnh báo cho người dân ứng phó kịp thời với thiên tai; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn...
Phòng là chính, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất - Việc làm này rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của người dân, để Nặm Păm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Luận, Trăng
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!