Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi về xã Mường Chùm (Mường La), dọc hai bên đường ngút ngàn màu xanh cây ăn quả. Những vườn nhãn, đồi xoài đang đơm hoa, kết trái. Từng dãy nhà sàn, nhà xây kiên cố khang trang mọc lên san sát, làm cho diện mạo nông thôn mới Mường Chùm thêm khởi sắc.
Mô hình trồng dâu tây tại bản Pặt, xã Mường Chùm (Mường La).
Đón chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Dong, cho biết: Mường Chùm có lợi thế về đất đai, khí hậu, có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thời gian qua, xã đã tập trung mọi nguồn lực, huy động nhân dân giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Người dân đã và đang tích cực đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nhiều mô hình điển hình về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cuộc sống của người dân ngày một nâng cao.
Cùng cán bộ xã thăm mô hình trồng cây dâu tây tại bản Pặt. Đây là mô hình trồng dâu tây đầu tiên của xã và huyện Mường La. Vườn dâu tây của gia đình chị Quàng Thị Yến, rộng khoảng 500 m², những luống dâu tây chạy dài xanh tốt, sai quả chín đỏ. Chị Yến cho hay: Lúc đầu tôi không nghĩ trồng được, nhưng thấy trồng rau không hiệu quả, nên tôi đã bàn với gia đình cải tạo đất, rồi mua giống cây dâu tây về trồng thử. Sau hơn một tháng, cây dâu tây phát triển tốt, quả to, ngọt thơm hơn cả mong đợi. Vui nhất là vào ngày cuối tuần, bà con ở các xã trong huyện đến mua, tham quan khá đông. Đầu vụ, mỗi ngày vườn dâu tây thu hoạch từ 40-50 kg, giá từ 150-200 nghìn đồng/kg; giữa vụ giảm còn 20-30 kg/ngày, giá 120-150 nghìn đồng/kg. Thời gian thu hoạch gần 2 tháng, trừ chi phí, một lứa dâu tây thu lãi trên 100 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với trồng rau và những cây trồng khác.
Tới thăm vườn cam rộng hơn 1 ha của gia đình anh Lò Văn Phát, anh kể: Những năm trước, trồng cây ngô, cây sắn đến vụ thu hoạch, trừ chi phí chỉ đủ ăn, thậm chí còn lỗ, vì giá cả không ổn định. Mấy năm gần đây, được cán bộ xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, lại được cán bộ khuyến nông về hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, nên gia đình tôi đầu tư trồng giống cam Vinh. Sau 3 năm, hơn 300 gốc cam đã cho thu hoạch, bình quân 15 tấn quả/vụ, trừ chi phí thu cả trăm triệu đồng/năm. Nhờ trồng cây cam, gia đình tôi có thu nhập ổn định, chi phí cho con cái đi học, cuộc sống gia đình đã được cải thiện hơn trước.
Bên cạnh đó, xã đã lãnh đạo nhân dân gieo trồng trên 2.500 ha cây lương thực, gần 500 ha cây ăn quả, 60 ha rau màu các loại; duy trì và phát triển hơn 14.000 con gia súc, gần 49.000 con gia cầm các loại. Nhiều gia đình phát triển mô hình VAC có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu là hộ ông: Lò Văn Thoan, bản Mường Kham; Quàng Văn Ích, bản Nà Tòng; Lò Văn Vươn, bản Chang Lứa... Hiện, xã có 1 HTX chăn nuôi, 1 HTX trồng cây ăn quả, 2 doanh nghiệp xây dựng, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất hàng hóa toàn xã đạt gần 200 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 32 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%.
Mường Chùm hôm nay đang đổi thay từng ngày. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang chung sức khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!