Một ngày ở Chiềng Muôn (Mường La), đến một số bản trong xã, câu nói mà nhiều lần chúng tôi được nghe bà con nói, đó là: “sinh ít con thôi để cùng nhau thoát nghèo”. Những thay đổi về nhận thức và hành vi dân số của người dân đã mang lại những tín hiệu vui về công tác dân số ở vùng đất từng là “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn và sinh con thứ ba trở lên.
Câu chuyện của ngày hôm qua
Do đã hẹn trước, anh Lò Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Muôn, đón chúng tôi tại Trạm. Rót cốc nước mời khách, anh Thành bảo: Nhà báo phải đến các bản trò chuyện với người dân thì mới cảm nhận được sự thay đổi trong nhận thức của bà con về công tác dân số. Mặc dù trời mưa khá to, nhưng chúng tôi vẫn nhờ anh Thành làm “hoa tiêu” để về một số bản trong xã.
Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn tuyên truyền cho người dân bản Pá Kìm không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Nhớ lại thời điểm năm 2015, khi mới được điều động về nhận công tác tại Trạm Y tế xã, anh Thành kể: Thời gian đó, nhận thức của người dân về công tác dân số còn hạn chế; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại không nhiều, dẫn đến tình trạng sinh con tự nhiên. Nhiều gia đình sinh 3, 4, thậm chí 10 người con. Đã có trường hợp ở bản Hua Chiến do đẻ nhiều, đẻ dày, đói ăn không chịu nổi, vào rừng lấy lá ngón cho cả nhà cùng ăn, cùng chết để thoát khổ. Rất may bà con trong bản phát hiện kịp thời, nên không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Chiềng Muôn có 6 bản, với 356 hộ dân thuộc hai dân tộc Mông và La Ha cùng chung sống. Tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong cuộc sống người dân. Các bản đồng bào dân tộc Mông con trai 13, 14 tuổi đã đi “bắt vợ” nên thường bỏ học giữa chừng; nhiều em là con hộ nghèo không được đến trường học. Điều đáng bàn là, một số đảng viên cũng có con tảo hôn, hoặc sinh con thứ ba trở lên.
Việc tiếp cận để tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu để thay đổi hành vi dân số không mấy dễ dàng, do đường đến các bản khó khăn, “cuốc bộ” đến nơi thì người dân đang ở các lán nương xa nhà. Phát thuốc tránh thai nhưng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ lại “quên uống” và khi sử dụng bao cao su lại thấy “không tiện”... Thời điểm năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở Chiềng Muôn trên 40%; mỗi năm có hơn chục trường hợp tảo hôn. Đẻ nhiều, đẻ dày, cuộc sống của người dân quanh năm chỉ quẩn quanh với cái đói, cái nghèo. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 60,9%.
Giải pháp “hạ nhiệt”
Tại trụ sở Đảng ủy xã, câu chuyện về công tác dân số được Bí thư Đảng ủy xã Cứ A Dạng, chia sẻ: Bài toán dân số ở xã đã được cả hệ thống chính trị trong xã vào cuộc, với những giải pháp quyết liệt, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, để tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện. Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác dân số. Đồng thời, chỉ đạo thành lập tổ công tác, với 12 thành viên, gồm đại diện Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các tổ chức đoàn thể và trạm y tế xã. 2 thành viên phụ trách 1 bản: thành viên là người Mông phụ trách bản dân tộc Mông; người La Ha phụ trách bản dân tộc La Ha. Như vậy, không có sự bất đồng ngôn ngữ, hiểu được phong tục tập quán, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân, sẽ thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động.
Nhân viên Trạm Y tế xã Chiềng Muôn tuyên truyền người dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Nói về công tác tuyên truyền dân số, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, Lò Văn Thành, tâm sự: Trạm Y tế xã biên soạn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu về pháp lệnh dân số, chính sách dân số và văn bản chỉ đạo của các cấp... làm tài liệu tuyên truyền cho các thành viên khi về bản. Trạm còn đọc và ghi âm nội dung này để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các bản. Ngoài ra, khi đến tuyên truyền ở các bản, chúng tôi thường nói nôm na với bà con rằng: “Đẻ nhiều sẽ không có ăn nên hay bị ốm; đi viện chữa bệnh sẽ hết tiền; người thân đi chăm sóc phải bỏ nương, bỏ ruộng, không làm ra thóc, gạo, ngô... lại càng thêm đói ăn”. Chúng tôi còn chụp ảnh những gia đình sinh nhiều con thiếu ăn, thiếu mặc, hoặc những đứa trẻ sinh ra ốm yếu, bệnh tật do tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống làm dẫn chứng trực quan, giúp bà con hiểu sâu sắc về hệ lụy để thay đổi nhận thức và hành vi dân số. Hiện chúng tôi đang đề nghị với xã, đầu tư cho mỗi bản một chiếc điện thoại thông minh và 1 sim mạng, Trạm Y tế xã sẽ gửi nội dung tuyên truyền lên nhóm Zalo của xã để các bản phát tuyên truyền đến người dân.
Thêm một giải pháp để “hạ nhiệt dân số” ở Chiềng Muôn được thực hiện, đó là đưa nội dung công tác dân số vào hương ước, quy ước của bản. Trong đó, quy định rõ mức phạt trường hợp vi phạm sinh con thứ ba trở lên là 1,5 triệu đồng/lần. Tuy số tiền không lớn, nhưng với các hộ nghèo, để lo được khoản tiền nộp phạt cũng khá khó khăn. Khi đi vay mượn để nộp phạt, người cho vay phân tích hệ lụy của việc đẻ nhiều, đẻ dày, từ đó sẽ hiểu hơn về cái lợi của việc sinh ít con. Đây còn một trong những nội dung để đánh giá, phân loại chi bộ và đảng viên hàng năm; gắn trách nhiệm của đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động người thân không sinh con thứ 3 trở lên, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Những tín hiệu vui
Bản Hua Chiến của đồng bào dân tộc Mông nằm cheo leo trên một đỉnh đồi. Thật may mắn, tuyến đường lên bản được đổ bê tông, nên dù dốc cao chúng tôi vẫn đi được xe máy đến bản. Ghé thăm gia đình chị Cứ Thị Nu, thoạt nhìn chị còn rất trẻ, không thạo tiếng phổ thông, bẽn lẽn khi trò chuyện với chúng tôi. Chị nói: Tôi không biết chữ, không biết mình bao nhiêu tuổi. Đã có 2 con, cháu đầu 6 tuổi, cháu thứ 2 được 1 tuổi. Bây giờ không muốn đẻ thêm nữa, muốn dành thời gian để trồng cây ngô, cây sắn, nên tôi “ăn” thuốc này. Nói rồi chị lấy ra 1 vỉ thuốc tránh thai khoe, như để minh chứng rằng chị đang quyết tâm chỉ sinh 2 con để có thời gian phát triển kinh tế cho cuộc sống bớt nghèo.
Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Tham gia câu chuyện, chị Hàng Thị May, cộng tác viên dân số của bản, phấn khởi: Trong bản cũng có một số gia đình đã có 2 con, nhưng không ai có ý định sinh thêm con nữa. Tôi lấy gương của những gia đình này để vận động, thuyết phục các hộ khác trong bản cùng làm theo.
Rời bản Hua Chiến, chúng tôi tiếp tục đến bản Pá Kìm - bản của đồng bào dân tộc thiểu số La Ha, đây là dân tộc được phép sinh con thứ 3 (dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người). Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lò Văn Xiên, nói: Bản có 46 hộ dân, 100% là dân tộc La Ha. Những năm gần đây, bản không có trường hợp nào sinh con thứ 3, cũng không còn trường hợp tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống. Do cuộc sống khó khăn (hiện bản 39 hộ nghèo và cận nghèo), nên bà con bảo nhau không cho con lấy vợ, lấy chồng sớm, phải đi học con chữ để có kiến thức về các lĩnh vực, áp dụng vào thực tế đời sống và sản xuất thì mới có cuộc sống no ấm.
Anh Lò Văn Lương, bản Nong Quài, cũng có chung suy nghĩ như vậy. Anh nói: Gia đình tôi có 2 con gái, nhưng vợ chồng tôi đều thống nhất chưa sinh thêm con, dành thời gian phát triển kinh tế để các con có điều kiện học hành chu đáo. Tuy được phép sinh con thứ 3, nhưng khi nào kinh tế gia đình khá giả, chúng tôi mới tính.
Nói về công tác dân số ở xã Chiềng Muôn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường La, thông tin: Năm 2020, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Chiềng Muôn giảm còn 20%; trong 9 tháng năm nay, xã chỉ có 4 cặp tảo hôn. Những con số này, minh chứng rằng, nhận thức về công tác dân số của người dân nơi đây đã có chuyển biến tích cực. Đây là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên dân số các bản trong việc vận động người dân thực hiện tốt pháp luật dân số.
Chia tay Chiềng Muôn, chúng tôi nhận lời mời của Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lò Văn Thành, sẽ quay trở lại xã để được chứng kiến công tác dân số ở vùng cao này đi vào nền nếp, người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Hồng Luận - Huyền Trăng
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!