Bản Lùn thêm nguồn thu từ nghề rừng

“... Để giữ được những cánh rừng xanh tốt, quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người dân thấy rõ hiệu quả thiết thực của việc bảo vệ rừng, khi đó bà con sẽ tự giác, tích cực tham gia bảo vệ rừng”. Đó là chia sẻ của ông Vì Văn Hạnh, Trưởng bản Lùn, xã Mường Sang (Mộc Châu).

Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng nguyên sinh có rất nhiều cây gỗ lớn. Khoát tay chỉ cây dẻ to, cao vài chục mét, ông Vì Văn Hạnh, Trưởng bản Lùn, cho biết: Nếu không được người dân trong bản chung tay giữ rừng thì khó mà còn những cây gỗ to như thế này, bởi diện tích rừng của bản rộng gấp 3 lần diện tích đất sản xuất, lại giáp ranh với nhiều xã nên việc quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn.

           

Khu rừng nguyên sinh ở bản Lùn, xã Mường Sang (Mộc Châu) được người dân bảo vệ và phát triển tốt.

           

Bản Lùn có 174 hộ, 748 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Hiện, bản có 1.162 ha rừng; trong đó, có hơn 300 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Bản Lùn đã xây dựng quy chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng; thành lập Tổ bảo vệ rừng gồm 25 thành viên, thường xuyên tuần tra giữ rừng. Hằng tháng, các thành viên trong tổ thường xuyên thực hiện các chuyến tuần rừng, tuyến dài nhất gần 40 km. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, các thành viên còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong bản chung tay bảo vệ rừng.

           

Ông Hạnh chia sẻ thêm: Những năm gần đây, bà con trong bản còn được Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhiều nhất là năm 2020, bản Lùn được chi trả 480 triệu đồng. Nhờ giữ được rừng đầu nguồn nên giữ được nguồn nước quanh năm đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất và duy trì nhiều ao nuôi cá. Người dân của bản gieo cấy hơn 50 ha lúa nước đảm bảo lương thực tại chỗ; trồng  hơn 400 ha ngô, sắn và cây ăn quả. 

           

Từ nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý bản đã tổ chức họp dân, công khai và thống nhất các khoản chi tiêu, đầu tư bê tông hóa gần 1km đường nội bản, 345m đường nội đồng, gần 1km kênh mương, đổ sân bê tông, xây tường rào nhà văn hóa bản và điểm trường cắm bản; lắp điện đường chiếu sáng ban đêm dài gần 1km... phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và nhu cầu học tập của con em trong bản. Vì vậy, rừng luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt; 100% hộ dân ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng; thực hiện phát và đốt nương đúng quy định, đảm bảo không để lửa lan vào rừng.

           

Trong 2 năm (2018-2019), Ban quản lý bản Lùn đã thống nhất trích 160 triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng cho Chi hội phụ nữ bản làm quỹ tiết kiệm tự quản, cho các hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Chị Hoàng Thị Hơn, Chi hội trưởng Chi hội LHPN bản Lùn, cho biết: Chi hội đã cho 19 thành viên vay vốn đầu tư chăn nuôi và trồng cây ăn quả; thu nhập bình quân đầu người ở bản đạt gần 37 triệu đồng/năm; hiện, bản không con hộ nghèo.

           

Chia tay bản Lùn, ông Vì Văn Hạnh phấn khởi nói với chúng tôi, bản Lùn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2020. Hiện nay, đang tiếp tục phấn đấu đạt bản nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Với điều kiện tự nhiên có khu rừng nguyên sinh và địa hình núi đá cao ở bản, đã thu hút Công ty cổ phần du lịch 26 Mộc Châu đầu tư xây dựng cầu kính trên vách núi, sắp tới sẽ có nhiều khách du lịch đến bản. Ban quản lý bản và người dân đang có kế hoạch liên kết với Công ty cổ phần du lịch 26 Mộc Châu làm du lịch cộng đồng, thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới