Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ; chăm lo gia đình người có công

Tháng 6/1947, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp và nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7/1955, được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ và từ đó, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

Nguyễn Tuấn Anh
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

 

Đoàn công tác của tỉnh Sơn La dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.

 

Cùng với cả nước, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh luôn xác định việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện bằng những việc làm thiết thực, như: Chi trả các chế độ, chính sách ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng; thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn; hỗ trợ ổn định đời sống; quan tâm chăm sóc sức khỏe...

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang quản lý 35.563 người có công với cách mạng, trong đó người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 2.954 người. Các chế độ, chính sách đối với người có công, chế độ trợ cấp đối với thân nhân người có công, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, dụng cụ chỉnh hình; chế độ mai táng phí; trợ cấp một lần cho người có công với cách mạng từ trần; chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ; trợ cấp một lần đối với thân nhân bà mẹ Việt Nam Anh hùng... bảo đảm đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Trung bình mỗi năm, tổ chức cho trên 1.000 người có công đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 300 trường hợp... 

Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa... đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh, với hàng chục nghìn suất quà, trị giá hàng tỷ đồng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đã tặng 9.819 suất quà cho người có công với cách mạng, trị giá 3 tỷ 513 triệu đồng, gồm quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của cấp huyện và của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn thể...

Năm 2019, toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, với 11.563 trường hợp (xây mới 5.529 nhà, sửa chữa 6.034 nhà). Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục rà soát, xác định, thẩm định 695 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021.

Đoàn viên thanh niên dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mường La.

Các gia đình người có công với cách mạng còn được miễn giảm các loại thuế; ưu tiên giải quyết việc làm; hỗ trợ ưu đãi giáo dục - đào tạo đối với con thương binh, bệnh binh đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học... Những việc làm thiết thực đó, đã góp phần giúp trên 99% số gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi sinh sống.

Phong trào “Uống nước nhớ nguồn” còn được cụ thể hóa bằng việc đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ, viếng nghĩa trang và dâng hương tại nhà bia ghi tên liệt sĩ. Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã tôn tạo, tu bổ, nâng cấp 34 công trình ghi công liệt sĩ, gồm 4 công trình nghĩa trang liệt sĩ huyện; xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ thuộc nghĩa trang liệt sĩ huyện Vân Hồ; sửa chữa, tu bổ 27 công trình nhà bia ghi tên liệt sĩ; nâng cấp Khu di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi và sửa chữa khu mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thường xuyên phối hợp với các tỉnh và các đơn vị liên quan tìm kiếm, xác minh thông tin danh tính liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường và quy tập về quê hương theo yêu cầu, nguyện vọng của gia đình liệt sĩ.

Thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”; huy động các nguồn lực trong xã hội, cùng Nhà nước tiếp tục chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Tiếp tục thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tổ chức hoạt động hiệu quả Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Sơn La, đáp ứng yêu cầu chăm sóc đối tượng người có công của tỉnh và trong khu vực. Những việc làm thiết thực trên thể hiện sự tri ân của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với người có công với cách mạng - những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới