Cùng với các loại trái cây của tỉnh như xoài, nhãn, chuối, chanh leo... được xuất khẩu ra nước ngoài, gần đây, thanh long Sơn La cũng được tiếp cận, xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Tỉnh đang từng bước hoàn thiện thủ tục xây dựng nhãn hiệu “Thanh long Sơn La”, tạo động lực để người trồng thanh long, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục đưa trái cây này chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Cây thanh long được đưa vào trồng tại Sơn La từ năm 2010, do sự phù hợp với điều kiện tự nhiên nên phát triển tốt, chất lượng quả cao, trở thành một trong những cây trồng giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên làm giàu. Hiện nay, toàn tỉnh trồng trên 300 ha thanh long; tập trung tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, thành phố Sơn La… sản lượng đạt gần 5.000 tấn/năm. Sản phẩm thanh long của tỉnh đang khẳng định được chất lượng, có uy tín trên thị trường và bắt đầu xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Tuy nhiên, do chưa xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận, nên thanh long Sơn La phải chịu sức ép lớn từ các đối thủ cạnh tranh như thanh long Bình Thuận, thanh long Lập Thạch (Vĩnh Phúc), thanh long Uông Bí (Quảng Ninh)...
Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Thanh long Sơn La” cho sản phẩm quả thanh long của tỉnh Sơn La, được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện từ năm 2021. Mục tiêu của dự án là xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm quả thanh long theo hướng liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Là cơ quan quản lý Nhà nước về Dự án, đồng thời là cơ quan chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên kiểm tra tiến độ và đóng góp ý kiến về các nội dung hoạt động dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Thanh long Sơn La” như lựa chọn mẫu, các tiêu chí chứng nhận, bản đồ vùng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, hoàn thiện công vụ quản lý, kiểm soát sử dụng nhãn hiệu, bộ nhận diện sản phẩm.
Ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Dự kiến cuối năm 2023, Dự án sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm quả thanh long không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, địa phương mà còn xác lập cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn từng bước quy hoạch lại sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị hợp lý cho thanh long Sơn La; quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long trên thị trường trong nước. Mục tiêu xa hơn là đăng ký bảo hộ sản phẩm “Thanh long Sơn La” ở một số nước trên thế giới.
Mai Sơn là địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất tỉnh với trên 200 ha. Các hộ sản xuất thanh long trên địa bàn huyện đã chuyển đổi sản xuất gắn với ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng, như kỹ thuật trồng leo giàn, kỹ thuật ủ và sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn thanh long, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, xử lý ra hoa nghịch vụ… Nhờ vậy, năng suất đạt cao, trung bình từ 18-20 tấn/ha/năm.
Tích cực trong việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để xuất khẩu thanh long, 2 năm qua, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn đã xuất khẩu trên 700 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc. Hiện nay, ngoài trồng 100 ha thanh long tại xã Nà Bó, HTX còn liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Thuận Châu; sản lượng mỗi năm đạt khoảng 2.000 tấn với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Nông Nghiệp Ngọc Hoàng, chia sẻ: Để quả thanh long đủ điều kiện xuất khẩu, HTX tuyên truyền các thành viên kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu chăm bón, cắt tỉa cành để tạo nên sản phẩm tốt, an toàn, đồng thời lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm. Quả thanh long xuất khẩu sang thị trường các nước phải đảm bảo các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, được kiểm dịch thực vật, có mẫu mã đẹp, đồng đều. Sắp tới, nhãn hiệu chứng nhận “Thanh long Sơn La” được cấp sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm thanh long sang thị trường các nước trên thế giới.
Còn tại HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, thực hiện chủ trương của huyện về phát triển chuỗi giá trị thanh long, năm 2018, HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn đưa cây thanh long vào trồng. Đến nay, 13 ha thanh long của HTX đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Năm 2022, HTX đã tiêu thụ trên 200 tấn quả, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Nga.
Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX, phấn khởi: Nhờ trồng thanh long mà các thành viên trong HTX đã có thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm. Thanh long được xây dựng nhãn hiệu giúp HTX yên tâm mở rộng diện tích, chủ động đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiến tới phát triển các vùng chuyên canh trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm thanh long.
Việc xây dựng bảo hộ, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Thanh long Sơn La” kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường, thay đổi xu hướng canh tác theo hướng hàng hóa và là điều kiện tiên quyết cho nông sản tiếp cận thị trường lớn trong tương lai. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!