Vai trò cầu nối của HTX trong liên kết nông dân với doanh nghiệp

Khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể ở Mộc Châu đã không ngừng được mở rộng, tăng cả về số lượng và chất lượng. Các HTX đã đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tham gia kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập các thành viên, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giọng nữ
Thành viên HTX Hoa Mộc Châu chăm sóc vườn dâu tây.

Mộc Châu đã có hơn 110 HTX nông nghiệp, với trên 1.100 thành viên. Nhiều HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm nông sản của địa phương, như: Chè, sữa, các loại rau, mận, dâu tây, hồng giòn, cam... Mộc Châu luôn đồng hành, triển khai các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX nông nghiệp.

Nhận thấy lợi ích của mô hình HTX, năm 2016, các hộ dân trồng rau xã Phiêng Luông liên kết với nhau thành lập HTX Nông nghiệp Dũng Tiến với mục tiêu phát triển sản xuất rau an toàn trái vụ theo chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đến nay, HTX trồng hơn 25 ha rau, củ, quả; trong đó, 10 ha đạt chuẩn VietGAP. Các khâu tưới nước, phun thuốc được tự động hóa 100% với công nghệ tưới phun sương, tưới nhỏ giọt.

HTX nông nghiệp Dũng Tiến, xã Phiêng Luông điều chỉnh hệ thống tưới nhỏ giọt tự động và trồng rau trong nhà lưới.

Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến, cho biết: Việc thực hiện mô hình HTX kiểu mới, đã thay đổi tập quán canh tác, trồng trọt của hộ phân tán trước đây sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo chuỗi sản xuất liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm... Nhất là, các thành viên được hỗ trợ cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng nông sản của HTX ngày càng được nâng cao, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm.

Triển khai các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, HTX kinh doanh dịch vụ du lịch Nông nghiệp Châu Mộc, xã Đông Sang được hỗ trợ kinh phí mua sắm hệ thống máy sấy lạnh và nồi xào công nghiệp bán tự động, tổng giá trị hơn 350 triệu đồng. Qua đó, giúp HTX hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

HTX kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc được hỗ trợ đầu tư hệ thống máy sấy lạnh.

Chị Hà Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc, phấn khởi: Được hỗ trợ đầu tư hệ thống máy sấy hiện đại, nên hoa quả chế biến bằng phương pháp sấy lạnh của HTX giữ được màu sắc, độ tươi ngon và dinh dưỡng, khách hàng rất ưa chuộng. Năm qua, HTX đã bao tiêu 200 tấn hoa quả tươi các loại, giúp ổn định đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho nông dân trồng hoa quả trên địa bàn.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Mộc Châu, cho biết: Các HTX nông nghiệp đang phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, phát triển nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến hết năm 2024 ước đạt gần 80 triệu đồng.

Thành viên HTX nông nghiệp Dũng Tiến, xã Phiêng Luông, thị xã Mộc Châu trồng cà chua trong nhà lưới.

Không chỉ đẩy mạnh hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả, các HTX còn tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đến nay, Mộc Châu có 32 sản phẩm OCOP, trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp của hội viên nông dân sản xuất, góp phần phát triển ổn định vùng nguyên liệu, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Các HTX nông nghiệp ở Mộc Châu đã khẳng định vai trò cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp; là nơi gắn kết nông dân với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ sản xuất.... góp phần, đưa kinh tế nông nghiệp vùng đất cao nguyên Mộc Châu ngày càng phát triển bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả.

Bài, ảnh: Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới